Với mong muốn mọi người dân Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận hoạt động SCC y tế trong các tình huống tai nạn, chiều ngày 28/10, Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh và Quỹ Urgo Foundation của Pháp đã phát động chương trình “Sơ cứu kịp thời - Giao thông an toàn”.
Chương trình nhằm huấn luyện kỹ năng SCC cho 900 dược sĩ tại chuỗi nhà thuốc Pharmacity trên cả nước và 40 tài xế Grab thuộc đội cứu hộ 247.
Theo Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh, Việt Nam nằm trong số các quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn thương tích cao trên thế giới. Thống kê năm 2019 của Bộ Y tế, cả nước có 1.226.704 trường hợp gặp tai nạn thương tích, trong đó có 32.744 trường hợp tử vong. Đáng chú ý, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu, chiếm 45%, tiếp theo là đuối nước (13,98%) và các tai nạn khác.
Ông Trần Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm huấn luyện sơ cấp cứu và phòng chống thảm họa TP Hồ Chí Minh, thuộc Hội Chữ thập đỏ Thành phố cho biết, việc nâng cao chất lượng SCC là giải pháp quan trọng để giảm thiểu thiệt hại về người trong các vụ tai nạn giao thông. Hiện nay, Hội đào tạo từ 170.000 - 200.000 người mỗi năm để phục vụ nhu cầu trên cả nước. Với dân số Việt Nam đã đạt 99 triệu người, việc tiếp tục mở rộng đào tạo kỹ năng SCC và tăng cường các điểm cứu hộ trên cả nước là cần thiết, góp phần vào mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Theo chương trình “Sơ cứu kịp thời - Giao thông an toàn”, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện SCC, các dược sĩ và tài xế Grab thuộc đội cứu hộ 247 sẽ được cấp chứng chỉ để ứng dụng kiến thức SCC vào phục vụ người dân trên đường và tại các nhà thuốc. Quỹ Urgo sẽ tài trợ balo sơ cứu (First Aid Bag) và túi sơ cứu (First Aid Kits) cho chương trình.
Ngoài ra, Quỹ Urgo và Hội Chữ thập đỏ TP Hồ Chí Minh sẽ quay phim tài liệu đào tạo sơ cứu để cung cấp trên ứng dụng GrabAcademy, giúp các tài xế Grab có thể xem lại nội dung trên nền tảng này. Khi gặp tình huống cần hỗ trợ trên đường, tài xế Grab sẽ gọi đội cứu hộ 247 để kịp thời trợ giúp.
Ông Pascal B. Auzière, đại diện Quỹ Urgo chia sẻ rằng, các dược sĩ với kiến thức chuyên môn về y tế và sức khỏe cộng đồng, cùng các tài xế Grab có tần suất lưu thông cao trên đường, là lực lượng lý tưởng để phổ biến dịch vụ SCC tới cộng đồng. Thành công của chương trình “Sơ cứu kịp thời - Giao thông an toàn” sẽ được đo lường trực tiếp qua số lượng người dân được tiếp cận SCC trên 63 tỉnh, thành của Việt Nam; việc tận dụng mạng lưới hơn 1.000 nhà thuốc Pharmacity trên cả nước sẽ hỗ trợ chương trình đạt được mục tiêu dễ dàng hơn.