Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn có những bất cập như việc hỗ trợ bị chồng chéo, một số tỉnh chưa phân bổ hết số tiền tiếp nhận nên thời gian tới cần có giải pháp để hỗ trợ hiệu quả hơn.
Hơn 193.000 hộ dân được hỗ trợ
Bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTƯ MTTQ ) Việt Nam cho biết, thời gian qua, xâm nhập mặn, hạn hán đã xảy ra ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán ở vùng Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và thủy hải sản chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước và nhân dân. Để góp phần cùng với Nhà nước hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam đã thực hiện Chương trình phối hợp hành động hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại. Sau hơn 3 tháng chương trình đã đem lại kết quả khả quan.
Người dân xã bãi ngang Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vui mừng nhận bồn về đựng nước sinh hoạt. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Tổng số tiền UBTƯ MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên của Mặt trận, Hội chữ thập đỏ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội nghề cá Việt Nam đã vận động được số tiền và hiện vật quy ra tiền được trên 204 tỷ đồng, trong đó có trên 150 tỷ đồng tiền mặt. Từ nguồn vận động đó đã hỗ trợ được trên 193.000 hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, hạn hán, thủy hải sản chết hàng loạt với số tiền tên 150 tỷ đồng và vận động hỗ trợ trên 1.861 tấn gạo. Như vậy, các chỉ tiêu cơ bản đều đạt và vượt so với mục tiêu đặt ra (vận động: trên 204 tỷ đồng/80 tỷ đồng; hỗ trợ được 193.726 lượt hộ/45.000 hộ).
Cùng với đó, các cơ quan đã thực hiện giám sát việc thực hiện hỗ trợ khẩn cấp của Nhà nước đối với người dân bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thủy hải sản chết hàng loạt tại các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Qua báo cáo giám sát của 4 đoàn công tác và tổng hợp số liệu của 4 tỉnh cho thấy, việc thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với nhân dân bị thiệt hại là kịp thời. Đến nay, đã hỗ trợ hơn 4.309 tấn gạo đến 40.043 hộ dân; hỗ trợ cho các hộ nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại hơn 9,8 tỷ đồng; hỗ trợ cho 8.111 chủ tàu thuyền do ngừng khai thác là 53,359 tỷ đồng.
Cần hỗ trợ sinh kế
Bên cạnh những điều đã đạt được, đại diện UBTƯ MTTQ cũng thẳng thắn thừa nhận vẫn còn nhiều bất cập như việc hỗ trợ khắc phục hậu quả môi trường còn chậm. Một số tàu thuyền có công suất từ 90 CV trở lên chưa được hỗ trợ vì theo Quyết định 772/QĐ - TTg chỉ hỗ trợ tàu thuyền có công suất dưới 90 CV trở xuống. Một số tỉnh, thành chưa tích cực vận động nguồn lực để ủng hộ nhân dân các tỉnh bị thiệt hại. Ở một số tỉnh chưa kịp thời phân bổ hết số tiền tiếp nhận được cho nhân dân...
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua các hoạt động hỗ trợ đã mang lại hiệu quả tốt, tuy nhiên sự hỗ trợ mới mang tính chất tức thời, hỗ trợ vật chất và tiền mặt còn hỗ trợ về sinh kế chưa có nhiều. Câu chuyện hạn mặn chắc chắn sẽ diễn ra năm tiếp theo nên cần hỗ trợ căn cơ cho bà con ứng phó. Cùng với đó, mở rộng đưa các công nghệ như máy lọc nước, bồn chứa nước bằng vật liệu siêu dẻo siêu bền co giãn cao, để không phải xây bồn chứa mà bà con có thể trữ nước được.
Mặt khác, cần có chương trình vận động hỗ trợ hàng năm, dài hơi, để khi có thiên tai xảy ra thì kịp thời hỗ trợ người dân, không phải chờ đến khi có thiên tai mới kêu gọi hỗ trợ. Để tránh chồng chéo trong vận động và hỗ trợ, Mặt trận nên làm đầu mối tập trung.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhiều địa phương đã vận động được nguồn hỗ trợ rất lớn như Lâm Đồng (2,1 tỷ đồng), Đắk Lắk (2,5 tỷ đồng)… mà chưa chi đồng nào. Hoặc có địa phương chi rất ít như Sóc Trăng còn 80% nguồn hỗ trợ chưa chi hoặc Kon Tum vận động được 5,8 tỷ đồng nhưng còn 5,1 tỷ đồng chưa sử dụng trong khi đây là tâm vùng hạn, nhân dân rất cần hỗ trợ. “Cần phải làm rõ vấn đề này, xem khó ở đâu, vướng ở chỗ nào? Từ địa phương hay khâu nào để có cơ chế triển khai, sớm đưa hỗ trợ đến với người dân”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Về vấn đề bồi thường của Công ty Formosa Hà Tĩnh sau sự cố thủy sản chết hàng loạt tại 4 tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, đến nay, Formosa đã chuyển vào Kho bạc Nhà nước 250 triệu USD tiền bồi thường theo cam kết trước đó. Số tiền 250 triệu USD còn lại Formosa hứa sẽ chuyển nốt vào ngày 28/8 tới. Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Nhà nước phải lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ của các ngành, 4 địa phương bị thiệt hại. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có tỉnh Thừa Thiên - Huế có báo cáo về phương án hỗ trợ, còn 3 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh chưa báo cáo. Khi đã có phương án và tiêu chí của các tỉnh, số tiền 500 triệu USD Formosa đền bù sẽ được triển khai hỗ trợ theo quy định: 15 ngày một lần và 45 ngày thì quyết toán.
Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh: “Đề nghị MTTQ Việt Nam giám sát chặt chẽ ngay từ đầu việc triển khai 500 triệu USD bồi thường của Formosa theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, đó là dành tối đa để hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Bảo đảm làm sao số tiền bồi thường phải đến được tay người dân đúng mục đích, không có thất thoát, tiêu cực”.
Về kế hoạch triển khai thời gian tới, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, chuẩn bị cho 2017 và các năm tiếp theo mỗi khi xảy ra thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, có thể chủ động triển khai hỗ trợ nhân dân, không cần ký kết lại. Về hỗ trợ sinh kế lâu dài cho nhân dân, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành sớm triển khai việc hỗ trợ cho nhân dân; đồng thời sớm công bố vùng ngư trường đánh bắt hải không an toàn (nếu có) để cho người dân yên tâm đánh bắt hải sản và ổn định thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Đại diện UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị Chính phủ dùng nguồn vốn của mình hỗ trợ, bảo đảm an sinh xã hội cho ngư dân một số xã tại Nghệ An (giáp ranh với Hà Tĩnh). Đồng thời, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với MTTQ Việt Nam thực hiện chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu và tiếp tục tăng cường công tác giám sát việc triển khai phân bổ kinh phí hỗ trợ người dân bị thiệt hại do ảnh hưởng xâm nhập mặn, hạn hán và thủy sản chết bất thường.