Vùng quê cách mạng
Về Song Phượng, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hiền, Trưởng Ban Tuyên giáo huyện uỷ Đan Phượng cho biết: Trong lịch sử Đảng bộ huyện còn ghi chùa Đôi Hồi, có tên gọi khác là chùa Đình Giá hay chùa Thu Quế, nằm sát bờ đê sông Đáy, thuộc thôn Thu Quế, xã Song Phượng. Chùa còn được biết đến là địa chỉ liên quan tới phòng trào cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, là đầu mối liên lạc và hoạt động bí mật của cán bộ Việt Minh.
Trước năm 1945, chùa là địa điểm hoạt động bí mật của các đồng chí cán bộ lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh, Xứ uỷ Bắc kỳ, Cơ quan báo Cứu quốc và là nơi cất giấu vũ khí, họp bàn kế hoạch khởi nghĩa vào đêm 17/8/1945. Chùa là địa điểm phát hành số báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh đăng lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, phát hành ngày 17/8/1945, kịp thời động viên nhân dân cả nước đứng lên phá tan xiềng xích nô lệ, giành chính quyền về tay nhân dân.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, chùa Đôi Hồi là địa điểm hoạt động bí mật của cán bộ lãnh đạo phong trào kháng chiến ở địa phương. Dưới toà thượng điện là căn hầm bí mật che giấu cán bộ. Hiện nay, căn hầm đã được san lấp và xây gạch để phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Với những giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hoá, năm 1990, chùa Đôi Hồi được Bộ Văn hoá – Thông tin – Thể thao và Du lịch này là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
Năm 2010, huyện Đan Phượng đầu tư xây dựng bia kỷ niệm để ghi dấu sự kiện lịch sử: Địa điểm báo Cứu quốc hoạt động thời kỳ tiền khởi nghĩa và tri ân các đồng chí lãnh đạo Tổng bộ Việt Minh, Xứ uỷ Bắc Kỳ cũng như phong trào cách mạng địa phương. “Đây là việc làm có ý nghĩa giáo dục và nhắc nhở con cháu luôn khắc ghi tinh thần yếu nước, truyền thống cách mạng của các thế hệ ông, cha”, bà Nguyễn Thị Hiền cho biết.
Dẫn chúng tôi đi thăm lại di tích lịch sử tại chùa Đôi Hồi, ông Nguyễn Hữu Bình, bí thư chi bộ thôn Thu Quế cho biết: Với vị trí gần sông Đáy, kết nối giữa đường đê và Quốc lộ 32 nên thuận tiện di chuyển vào nội thành, phát hành báo Cứu quốc. Theo tài liệu lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ xã Song Phượng và lời kể của các lão thành cách mạng trước đây, chùa Đôi Hồi là đầu mối thông tin liên lạc, nơi mật giao các tài liệu và và tờ báo Cứu quốc của Tổng bộ Việt Minh đi các nơi. Đây cũng là nơi qua lại hoạt động của các cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước như đồng chí Xuân Thuỷ và Lê Quang Đạo. Sau cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Xuân Thuỷ cũng vài lần về thăm lại địa phương, nơi hoạt động trước kia của đồng chí.
Dẫn chúng tôi vào thăm nhà cụ Sinh, một cơ sở từng nuôi giấu cán bộ cách mạng ngay sau lưng chùa Đôi Hồi, ông Bùi Anh Tùng, Chủ tịch UBND xã Song Phượng cho biết: “Theo lời các cán bộ lão thành cách mạng địa phương trước đây kể lại, thời gian trước năm 1945, chùa Đôi Hồi là nơi gặp thông tin liên lạc, họp bàn của các cán bộ cách mạng, phát tờ báo Cứu quốc. Tuy nhiên, do hoạt động bí mật và để tránh bị địch phát hiện, khi có “động” thì các cán bộ cách mạng sẽ di chuyển sang nhà dân kế bên ngay sau chùa của cụ Sinh.
Ông Nguyễn Xuân Nhiêm (74 tuổi), con cụ Sinh kể lại, sau này, đồng chí Xuân Thuỷ có vài lần về chùa và nhà tôi thăm lại nơi hoạt động cách mạng trước đây và có chụp ảnh lưu niệm với gia đình, lúc đó tôi 4 tuổi.
Còn bà Nguyễn Thị Chả, con dâu ông Nguyễn Văn Tề, hay còn được gọi là Hai Tề trước đây là cơ sơ nuôi dấu đồng chí Xuân Thuỷ trong thôn Thu Quế cho biết: Khi về làm dâu gia đình, tôi được nhiều người trong gia đình kể lại là cơ sở nuôi dấu cán bộ cách mạng, được tặng bằng khen. Khi xã phát động xây dựng nông thôn mới, tôi đã đồng ý hiến đất với chiều dài khoảng 70 m, rộng 4m làm đường nối với trường học, để trục đường liên thông không thành ngõ cụt, giúp các cháu học sinh, người dân đi lại thuận tiện hơn.
Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu
Ông Tạ Văn Sinh, trưởng thôn Thu Quế cho biết, trong phong trào xây dựng nông thôn mới có mở đường liên thông với chiều dài hơn 150 mét với gần 6 hộ, thì riêng hộ nhà bà Nguyễn Thị Chả hiến khoảng 70 mét chiều dài. Từ khi có đường liên thông, ngõ xóm luôn sạch đẹp. Sự gương mẫu của gia đình cách mạng chấp hành chủ trương của Nhà nước được người dân trong thôn ủng hộ, làm theo.
Cùng với việc mở rộng hạ tầng, phong trào giữ đường ngõ thôn, xóm xanh sạch đẹp, trồng hoa trục đường chính…. Ông Bùi Văn Đức, Chủ tịch HĐND xã Song Phượng cho biết: Xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (XDNTM) từ năm 2013, nông thôn mới nâng cao năm 2020, và tháng 6/2022 đón nhận danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu do Thành phố Hà Nội trao.
Từ năm 2010, khi bắt đầu xây dựng nông thôn mới cho đến nay, xã đã có quy hoạch và xây dựng hệ thống giao thông, hệ thống thủy lợi đồng bộ và được bê tông hóa cơ bản đáp ứng nhu cầu giao thông đi lại và thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp cho nhân dân và kinh tế xã Đảng ủy xã đã ban hành Chương trình số 06-CTr/ĐU ngày 26/3/2021 về đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng văn minh, hiện đại gắn với tiêu chí phát triển xã thành phường giai đoạn 2021 – 2025.
Để đạt danh hiệu nông thôn mới kiểu mẫu, Song Phượng đã tập trung nâng cao cơ sở vật chất các trường học. Hiện, cả 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và Trung học đều đạt chuẩn quốc gia. Đời sống nhân dân chủ yếu thu nhập từ các làng nghề và dịch vụ thương mại như sản xuất bánh kẹo truyền thống, chế biến nông sản thực phẩm.
Về nông nghiệp, xã Song Phượng tập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ, công nghệ cao, đến năm 2021: giá trị thu nhập trên một ha canh tác đạt 480 triệu đồng/ha, Hợp tác xã nông nghiệp Song Phượng được lựa chọn là đơn vị đứng đại diện nhãn hiệu tập thể hoa Đan Phượng, công tác an sinh xã hội, giảm nghèo được quan tâm, 4/4 hộ nghèo đã thoát nghèo, không còn nhà tạm, xuống cấp trên địa bàn xã.
Toàn xã có 42 công ty, doanh nghiệp, 293 hộ sản xuất, kinh doanhở lĩnh vực xây dựng, mộc dân dụng, các mặt hàng thiết yếu, y tế, ăn uống... và 15 hộ sản xuất kẹo lạc truyền thống, thu hút được nhiều lao động của địa phương và các xã lân cận.
“Về cơ cấu kinh tế hiện nay của xã chủ yếu là thương mại dịch vụ; giá trị nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 12%, chủ yếu là trồng hoa, cây ăn quả. Lao động của xã đi làm, kinh doanh khu vực thị trấn, trong thành phố nên góp phần đưa thu nhập bình quân của xã hơn 78 triệu đồng/người/năm”, ông Bùi Văn Đức cho biết.
Có thể thấy điểm nổi bật nhất của Song Phượng là đường thông hè thoáng, xứng danh là đô thị nông thôn kiểu mẫu. Du khách về xã vẫn thích nhất là con đường hoa dọc theo trục chính của xã, dài gần 1 km; với những loại hoa như: hồng, cúc, hoa ban, tường vi. Việc chăm sóc hoa do bà con và các đoàn thể đảm nhận; ví như: khu trung tâm, khoảng 400m, giao cho Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên; còn lại do đội xung kích 5 -7 người, chuyên cắt tỉa, chăm sóc cây.
Đặc biệt, Song Phượng còn có tuyến đê kiểu mẫu 1,8km, chủ yếu trồng cây cỏ lạc để bảo vệ đê; đây là loại cỏ sinh trưởng tốt, có hoa đẹp và bò sát đất. Điểm nhấn đầu làng có các khối hoa hình sao, lục lăng, hình tròn, hình thoi, nhiều nhất là hoa mẫu đơn, hồng, cúc, cây lá đỏ, cây lá tím. Khách xa về Song Phượng hôm nay đều tấm tắc khen “quả là miền quê đáng sống”. “Tuyến đường hoa ven đê triển khai từ đầu năm 2022 với nguồn huy động xã hội hoá 300 triệu đồng nhưng ngày công đóng góp của bà con thì rất nhiều”, ông Bùi Văn Đức cho biết.
Có được kết quả trên là do xã Song Phượng đã triển khai có hiệu quả công tác tuyên truyền bằng các sản phẩm truyền thông thông qua các cuộc thi, hội diễn, phát động các phong trào thi đua yêu nước về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu như “toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”, “Nông dân thi đua, sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, góp phần xây dựng xã Song Phượng đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2021”, “Chợ thôn những ngày giãn cách xã hội”….; nổi bật là cuộc thi “Thôn, tổ dân phố sáng, xanh, sạch đẹp” do UBND huyện phát động, xã đã đạt 2 giải nhất, 1 giải nhì, 1 giải ba cấp huyện và 1 giải nhất cấp Thành phố do Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố phát động. Hiện xã đang thực hiện mô hình “Tuyến đê kiểu mẫu”… Công tác tuyên truyền được triển khai sâu rộng, đa dạng nhiều hình thức nên đã có tác dụng nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Ông Trần Đức Hải, Bí thư huyện uỷ Đan Phương cho biết: Năm 2021, xã tiếp tục được huyện chọn là 1 trong 5 xã thực hiện xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, với phương châm “Sản xuất phát triển, đường có hoa, nhà có số, hạ tầng kiên cố, cán bộ nâng tầm, nhân dân đồng thuận”. Cảnh quan xã Song Phương luôn gắn với môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn, trở thành miền quê đáng sống.
Có thể thấy, phát huy truyền thống cách mạng, xã Song Phượng đã luôn nỗ lực không ngừng là một trong những lá cờ đầu xây dựng nông thôn mới của huyện từ những năm 2010 đến nay. Do được duy trì đều đặn trong thời gian dài, nên bà con xã Song Phương đã có thói quen, nếp nghĩ phải làm đẹp cho gia đình và quê hương.
Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội.