Người dân tái định cư ở huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu dở khóc dở cười vì đang có nhà ở, đời sống ổn định thì sau khi giải tỏa đền bù, chuyển lên chỗ mới lại hết tiền và trở thành con nợ. Nhiều gia đình đã khó khăn nay lại bần cùng, sống dặt dẹo từng ngày.
Bỏ trốn vì nợ
Bản Tân Muôn, thị trấn Tân Uyên, huyện Tân Uyên (Lai Châu) là bản toàn người dân tộc Khơ Mú cư trú. Bản có 119 hộ, 646 khẩu nhưng có đến 64 hộ nghèo. Tái định cư từ xã Tà Mít (cũ) lên từ đầu năm 2011, đến nay hầu hết các hộ dân vẫn chưa ổn định đời sống, chính sách đền bù, hỗ trợ vẫn chưa giải quyết xong. Nhân dân phản đối, vì công tác kiểm đếm và đền bù không đúng. Người dân còn bỏ về bản cũ làm ăn, không cho con em đi học.
Ông Hoàng Văn Đất, 52 tuổi, ở bản Tân Muôn đã bỏ khu tái định cư về bản cũ vì nợ nần. Vợ ông Đất cho biết: “Gia đình vay 100 triệu đồng, cứ tưởng tiền đền bù và hỗ trợ của Nhà nước chưa trả còn nhiều, khi lấy sẽ trả. Nhưng khi biết dưới Ban Quản lý Dự án di dân thủy điện huyện chỉ còn lại sáu triệu đồng thì ông bỏ nhà trốn về bản cũ để làm nương. Mẹ con tôi cũng sẽ chuyển vào sống trong ấy”.
Nhiều công trình nước sạch ở bản tái định cư kém chất lượng, không có nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Các gia đình phải bỏ tiền mua ống dẫn nước về dùng. |
Cũng như hoàn cảnh của nhà ông Đất, gia đình anh Lò Văn Hò, 33 tuổi cứ nghĩ bản áp giá cũ được đền bù và hỗ trợ 180 triệu đồng. Nhận xong 40 triệu đồng, gia đình đi vay tiếp 30 triệu đồng mua trâu để kéo cày. Khi biết tiền mà Nhà nước nợ chi trả chỉ còn lại 15 triệu đồng, nhà anh Hò sợ không đủ trả người ta, gia đình phải bỏ vào bản cũ làm nương, chăn nuôi kiếm sống.
Ông Hoàng Văn Páo, Trưởng bản Tân Muôn, cho biết: “Đời sống của bà con khó khăn lắm, cứ tưởng về nơi ở mới được sung sướng hơn nhưng hóa ra lại khổ và nghèo. Hiện bản có hơn 50 hộ đã rồng rắn quay về bản cũ, dựng lán tạm để phát nương, làm rẫy, chăn nuôi kiếm miếng ăn. Các cháu cũng bỏ học, theo bố mẹ vào lán. Cán bộ bản một mực “trả chức” cho chính quyền để cùng vào bản cũ với mọi người nhưng chưa được. Dân mình nghèo lại cứ hoàn nghèo, có khá được hơn đâu”.
Ông Lò Văn Lếch, 55 tuổi, ở bản Tân Muôn, nhà có chín khẩu, tái định cư lên được cấp bốn sào ruộng, vì không có nước nên chỉ làm được một vụ và thu hoạch 20 bao thóc, không đủ ăn cho một năm. Nơi ở cũ, gia đình đình ông Lếch thu được 50 bao thóc, cộng với trồng thêm sắn, ngô để chăn nuôi, không lo bị đói. Gia đình chuẩn bị chuyển về bản cũ để sinh sống. Ông Lếch nói “vì dòng điện ngày mai mà làm cho dân đau lòng quá”.
Nghèo lại hoàn nghèo
Ông Tòng Văn Muôn, Chủ tịch UBND xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên (Lai Châu), cho biết: “Hiện nay trên địa bàn xã có 8 bản tái định cư thủy điện nhưng có tới 5 bản đang trong nguy cơ tái nghèo. Chính quyền xã và các đoàn thể đã tuyên truyền người dân tiết kiệm tiền đền bù, hỗ trợ để mua thêm ruộng sản xuất, bỏ ngân hàng để dành nuôi con cái ăn học. Nhưng đột nhiên có tiền, bà con tiêu pha, mua sắm hết. Bây giờ, nhân dân nghèo vẫn là nghèo, cứ loay hoay tìm nghề để sống”.
Đến điểm mới, gia đình ông Lò Văn Ục ở bản Tát Xôm 3, xã Trung Đồng chỉ có nhà tạm, ruộng nương không có, người vợ phải làm thuê từng ngày để nuôi sáu miệng ăn. |
Bản Tát Xôm 3, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên chuyển từ bản Tà Bải (xã Tà Hừa, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu) lên từ cuối năm 2008, người dân đã nhận đầy đủ tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước, đáng lẽ đời sống người dân khấm khá hơn nhưng hơn nửa số hộ thuộc diện nghèo. Ông Quàng Văn Sỹ, 40 tuổi, Trưởng bản Tát Xôm 3 nói: “Bản có một trăm phần trăm người Khơ Mú, ở bản cũ có 41 hộ thì ba hộ được thoát nghèo, chuyển lên điểm mới cả bản đều nghèo. Đến nay, số hộ nghèo đã giảm xuống còn 27 hộ trên tổng số 49 hộ của bản, hơn nửa số hộ đã tiêu hết tiền đền bù và hỗ trợ, ruộng ít nên đi làm thuê như hái chè, phụ xây dựng. Nửa phần các hộ mua được thêm ruộng sản xuất thì có gạo đủ ăn một năm, còn lại thì thiếu đói ba tháng giáp hạt. Bản chưa có người nào làm cán bộ từ cấp xã trở lên, chưa có cháu nào học trung cấp, cao đẳng, đại học. Lên điểm mới, bản có bốn người nghiện hút thuốc phiện chết”.
Chúng tôi đến gia đình ông Lò Văn Ục, 47 tuổi, ở bản Tát Xôm 3. Chồng say xỉn nằm ở góc nhà, vợ là Lò Thị Điêng ngồi ôm con tựa cửa. Nhà ông Ục có 6 khẩu, được cấp ruộng nhưng bán hết lấy tiền ăn tiêu, vợ phải đi hái chè thuê kiếm tiền nuôi cả gia đình. Bà Điêng đến các gia đình giúp việc vặt, mọi người thương hoàn cảnh nhà bà nên góp gạo cho. Bà Điêng cho biết: “Ở bản cũ, nhà có nhiều ruộng, bà với con cái làm cũng đủ ăn”.
Ông Trưởng bản Tát Xôm 3 Quàng Văn Sỹ cho biết thêm: “Ở nơi cũ, trung bình mỗi hộ thu nhập 20 triệu đồng/năm, đến đất mới chỉ thu nhập khoảng 7 triệu đồng”.
Chúng tôi trao đổi vấn đề nguy cơ tái nghèo ở bản tái định cư với chính quyền, ông Bùi Huy Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên nói: “Chúng tôi sẽ kiểm tra và tiến hành tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh nhất, kịp thời, không để người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn”.
Bài và ảnh: PV
Kỳ 3: Tiền hết vẫn chưa được định cư