Đây là những phụ nữ di cư gặp khó khăn trong quá trình đi làm ăn xa do đại dịch COVID-19 và cũng có nhiều nguy cơ đối mặt với các hình thức bạo lực trên cơ sở giới.
Hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình Di cư An toàn và Bình đẳng nhằm hướng tới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ di cư khu vực ASEAN do Liên minh châu Âu tài trợ, Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ và Hội phụ nữ các tỉnh Thái Bình, Nghệ An và TP Hồ Chí Minh thực hiện.
Tại Việt Nam, số lượng phụ nữ di cư lao động trong và ngoài nước ngày càng tăng. Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) ước tính phụ nữ chiếm khoảng 1/3 lực lượng di cư lao động nước ngoài. Theo Viện quản lý Kinh tế Trung ương, tỷ lệ phụ nữ di cư lao động trong nước còn cao hơn nhiều, chiếm hơn một nửa lực lượng lao động di cư (57,3%) mỗi năm.
Phụ nữ di cư lao động đóng góp tích cực cho sự phát triển của quốc gia, của cộng đồng, gia đình và chính bản thân họ. Tuy vậy, phụ nữ di cư cũng gặp nhiều thách thức và rào cản hơn so với nam giới. Họ có nguy cơ cao phải làm tăng ca, bị chậm trả lương, và đặc biệt dễ bị lạm dụng và bóc lột, bao gồm cả lạm dụng và quấy rối tình dục. Phụ nữ đi lao động ở nước ngoài cũng bị hạn chế tìm kiếm sự trợ giúp do lo sợ bị phân biệt đối xử về tình trạng di cư, bị đổ lỗi từ các nhà cung cấp dịch vụ, rào cản ngôn ngữ, thiếu hiểu biết về pháp luật và dịch vụ.
Phát biểu tại buổi truyền thông và cấp phát gói hàng thiết yếu tại thành phố Hồ Chí Minh, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết: “Chúng tôi mong rằng hoạt động ý nghĩa này sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn, nâng cao nhận thức, sự tự tin của chị em, giảm nguy cơ bị tổn thương mà phụ nữ di cư, nhập cư gặp phải. Qua đó, góp phần nâng cao vị trí của phụ nữ trong gia đình và xã hội.”
Trong làn sóng COVID-19 lần thứ tư bắt đầu từ tháng 4/2021, phụ nữ di cư là một trong những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Họ bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… Theo UN Women, đại dịch COVID-19 đã làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng ở phụ nữ nữ chung và phụ nữ di cư nói riêng.
Ông Jesús Laviña, Phó Ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi tin rằng gói hàng thiết yếu sẽ giúp phụ nữ di cư sẵn sàng ứng phó với bạo lực, đảm bảo phẩm giá, sự an toàn cho bản thân và con cái họ. Ví dụ khi họ buộc phải tìm một nơi tạm lánh để tránh bị bạo lực. Sự hỗ trợ này sẽ góp phần đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu về các dịch vụ thiết yếu có sự điều phối dành cho phụ nữ là nạn nhân của bạo lực”.