Tại buổi kiểm tra, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lưu ý: Hiện nay, tại Hải Dương chưa phát hiện trường hợp nào dương tính với virus Corona nhưng nguy cơ tiềm ẩn rất cao bởi tỉnh có nhiều công nhân, chuyên gia Trung Quốc làm việc ở các doanh nghiệp và lưu trú tại địa bàn. Các chủ doanh nghiệp phải tăng cường tuyên truyền cho công nhân và gia đình hiểu rõ tác hại của dịch bệnh nCoV và các biện pháp phòng tránh theo đúng quy trình của Bộ Y tế đã ban hành; theo dõi sát sao sức khỏe của người lao động, nếu có biểu hiện sốt phải đưa đến cơ sở y tế để khám, chữa và có biện pháp cách ly ngay.
Tại các cơ sở sản xuất, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị các chủ doanh nghiệp phải bố trí đầy đủ phương tiện, thiết bị để đảm bảo vệ sinh cá nhân, an toàn thực phẩm cho người lao động; đề nghị UBND tỉnh Hải Dương sớm xây dựng địa điểm cách ly với các trang thiết bị y tế hiện đại để sẵn sàng tiếp nhận khi có người dân trở về từ các vùng dịch.
Đại diện Công ty TNHH J&K Vina (Doanh nghiệp có vốn đầu tư Hàn Quốc), cụm công nghiệp Cẩm Thượng, thành phố Hải Dương, chuyên sản xuất thiết bị điện cho biết: Công ty có 200 lao động, chủ yếu là người địa phương. Công ty cũng rất quan tâm đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Trước khi bước vào xưởng sản xuất, công nhân đều phải rửa tay bằng dung dịch chứa cồn và phải đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng; đồng thời cứ 2 tiếng một lần, Công ty lại yêu cầu công nhân phải ra rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn.
Trong xưởng sản xuất, Công ty cũng bố trí các máy điều hòa, luôn giữ nhiệt độ trong phòng từ 25 độ C trở lên nhằm đảm bảo sức khỏe cho công nhân. Trước diễn biến của dịch bệnh nCoV, Công ty cũng đã in các tài liệu tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống để phát cho mỗi công nhân.
Tại Công ty TNHH Minh Hải – Minh Hải Plaza, thành phố Hải Dương, ông Nguyễn Công Hải - Tổng Giám đốc Công ty, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương chia sẻ: Công ty có hơn 800 lao động làm ở các xưởng sản xuất và kinh doanh đồ nội thất, vật liệu xây dựng. Trước diễn biến của dịch bệnh nCoV, Công ty nói riêng và Hội Doanh nghiệp trẻ nói chung đã tích cực tuyên truyền đến người lao động, yêu cầu phải rửa tay thường xuyên và đeo khẩu trang bởi sức khỏe của người lao động cũng là điều kiện đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định của doanh nghiệp. Chia sẻ với cộng đồng, Hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Hải Dương đã vận động hỗ trợ và tổ chức điểm phát miễn phí 20.000 khẩu trang cho người dân.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Hải Dương có khoảng 2.000 lao động người Trung Quốc đang làm việc tại các công ty, doanh nghiệp. Báo cáo của Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho thấy, đến ngày 31/12/2019, tổng số người lao động là người nước ngoài đang làm việc trong các khu công nghiệp là 1.022 người với 22 quốc tịch; trong đó có 56 doanh nghiệp sử dụng 423 lao động có quốc tịch Trung Quốc (358 người đến từ Trung Quốc đại lục và 65 người đến từ Đài Loan, Trung Quốc).
Trong số 358 lao động Trung Quốc đại lục, có 31 người ở lại Việt Nam ăn Tết, 126 lao động về nước nghỉ Tết và đã quay lại làm việc; còn 201 lao động đã về nước và chưa quay trở lại Việt Nam. Các lao động từ Trung Quốc trở lại làm việc hiện lưu trú tại các khu nhà doanh nghiệp đã thuê để ở hoặc tại doanh nghiệp và đang đi làm bình thường. Các doanh nghiệp đã tổ chức phát khẩu trang hàng ngày, một số doanh nghiệp tổ chức đo thân nhiệt nhưng chủ yếu theo hướng dẫn qua phương tiện thông tin đại chúng, chứ chưa được cơ quan chuyên môn hướng dẫn, giám sát.
Bác sỹ Nguyễn Đình Thực, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do nCoV, Hải Dương đã đầu tư các máy phun ULV cỡ lớn và cỡ nhỏ đeo vai, các máy phun tồn lưu cho các đội cơ động và các trung tâm y tế cấp huyện; cấp 5 kg Cloramin B dạng bột và 8.400 viên Cloramin B; 1.700 khẩu trang N95, 9.550 khẩu trang hoạt tính, 1.922 khẩu trang 3 lớp, 37 túi phòng hộ cá nhân, trang phục chống dịch … cho các cơ sở y tế.
Hải Dương cũng thành lập 5 đội phản ứng nhanh ở bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; mỗi trung tâm y tế tuyến huyện bố trí ít nhất 3 phòng cách ly để quản lý, theo dõi đối với các bệnh nhân nghi nhiễm bệnh. Tỉnh cũng trang bị khẩn cấp 10 máy thở kèm theo các trang thiết bị cần thiết cho Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Phổi tỉnh và mua quần áo bảo hộ y tế phục vụ việc phòng chống dịch; bảo đảm an ninh cho việc cách ly y tế bắt buộc đối với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh; chuẩn bị sẵn sàng triển khai bệnh viện dã chiến để chủ động ứng phó, tiếp nhận bệnh nhân khi có yêu cầu.
*Chiều 3/2, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện có 92% - 95% công nhân lao động tại các doanh nghiệp, nhà máy trong khu đã trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 30/1 (tức mùng 6 Tết), nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu làm việc trở lại từ ngày 3/2 (tức mùng 10 Tết).
Do số lượng công nhân trở lại làm việc ngày càng nhiều, đặc biệt là cùng thời điểm xảy ra dịch bệnh nCoV gây ra, Công đoàn các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố đã có khuyến cáo gửi đến các công đoàn cơ sở trực thuộc và các đơn vị liên quan về việc phòng ngừa dịch bệnh này. Theo đó, các công đoàn cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động công nhân, người lao động, doanh nghiệp thực hiện các giải pháp phòng ngừa như: Hạn chế tụ tập đông người, đeo khẩu trang khi tham gia lao động sản xuất hoặc khi tiếp xúc cùng lúc nhiều người, nếu có biểu hiện chảy nước mũi, ho, đau họng, đau đầu và sốt nên đến ngay các cơ quan y tế để theo dõi và điều trị…
Hiện nhiều doanh nghiệp đã chủ động vệ sinh, khử trùng, đảm bảo an toàn vệ sinh lao động trong khu vực, khuôn viên nhà máy hay doanh nghiệp; khu vực rửa tay, nhà vệ sinh được trang bị thêm dung dịch rửa tay cho công nhân, nhân viên, người lao động; một số doanh nghiệp ở khu Công nghệ cao đã sử dụng máy đo thân nhiệt nhân viên, người lao động trước khi vào làm.
Thống kê của Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, có hơn 510 chuyên gia Đài Loan (Trung Quốc), 710 chuyên gia Trung Quốc làm việc tập trung ở các khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Tân Thới Hiệp, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Linh Trung… Tuy nhiên, số chuyên gia Trung Quốc ở lại làm việc dịp Tết Nguyên đán vừa qua khoảng 50%; số còn lại vẫn còn ở Trung Quốc.
Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, ngoài việc nắm bắt thông tin, thực hiện các giải pháp phòng ngừa tại đơn vị doanh nghiệp, các cấp công đoàn còn cập nhật, theo dõi diễn tiến tình hình dịch bệnh; báo cáo kịp thời đến công đoàn cấp trên, cơ quan y tế gần nhất những trường hợp trở về làm việc từ các vùng dịch bệnh do virus Corona đang lây lan để kịp thời xử lý theo quy trình.
Theo Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh hiện có 17 khu chế xuất và công nghiệp với khoảng 318.000 công nhân đang làm việc, trong đó có hơn 70% là lao động ngoại tỉnh.