Sau hơn một tháng thành phố Hà Nội ra quân kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT) (từ 10/11/2012 đến nay) theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP của Chính phủ, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã tăng cường tuần tra kiểm soát, xử phạt quyết liệt, với mức phạt cao đã khiến vi phạm và tai nạn giao thông (TNGT) được kiềm chế, ý thức người tham gia giao thông nâng lên.
Sai một li, đi... tiền triệu
Ngày 19/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 71/CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 34/CP (2/4/2010) quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, trong đó các điều sửa đổi đều tăng cao mức tiền phạt so với Nghị định 34/CP và bổ sung một số chế tài xử lý đối với các hành vi vi phạm, nhằm răn đe, cải thiện ý thức người tham gia giao thông. Đáng chú ý, mức xử phạt tăng từ 1,5 - 3 lần đối với những lỗi nghiêm trọng, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT và ùn tắc giao thông như không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, lấn làn đường... Đặc biệt, hành vi uống rượu bia điều khiển ô tô có mức xử phạt cao nhất đến 15 triệu đồng/lần và tăng thời gian tạm giữ phương tiện, tạm giữ bằng lái xe, tước bằng lái xe...
Chiến sỹ Đội CSGT số 6 lực lượng cảnh sát giao thông (Công an Hà Nội) lập biên bản xử lý trường hợp phạm lỗi điều khiển phương tiện chạy dưới tốc độ tối thiểu cho phép khi lưu thông ở đường cao tốc trên cao. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN |
Theo các chuyên gia giao thông và phản ánh của nhiều người dân, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông, thì việc tăng nặng mức xử phạt trong một số trường hợp vi phạm trật tự ATGT hiện nay là cần thiết, nhằm lập lại kỷ cương trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Nghị định 71/CP có thể coi là “liều thuốc” mạnh để xử lý vi phạm, hạn chế tai nạn, ùn tắc giao thông.
Theo đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an Hà Nội), mới đây, ngày 10/12/2012, trên đường Lê Trọng Tấn (quận Hà Đông), ô tô BKS 30Y-7432 do Trịnh Minh Hùng (SN 1980) ở phường Mỗ Lao, quận Hà Đông điều khiển đã chạy với tốc độ gần 70 km/giờ trong khi đoạn đường này chỉ được đi tối đa 50 km/giờ. Khi bị dừng xe, người lái xe này còn xuất trình biên bản vi phạm hành chính do CSGT Hà Nội lập ngày 18/11/2012 cũng vì lỗi chạy quá tốc độ. Về trường hợp này, Trung tá Lưu Mạnh Tuyến (đội CSGT số 7) cho biết, người vi phạm đã trình bày lý do là có việc vội nên đã đi quá tốc độ. Tuy nhiên, CSGT vẫn kiên quyết lập biên bản.
Trường hợp khác, theo Trung tá Nguyễn Hữu Tâm - Đội trưởng Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an Hà Nội), Đội Quản lý các tuyến đường nội đô, trung tâm quận Hoàn Kiếm đã bố trí, tăng cường lực lượng chốt trực và xử phạt nghiêm khắc các trường hợp điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia quá nồng độ cồn quy định. Điển hình, mới đây là trường hợp lái xe Vy Văn Thái (SN 1986) ở Kỳ Sơn (Nghệ An) điều khiển xe ô tô BKS 37S-1851 và lái xe Nguyễn Hữu Đức ở Mỹ Đức, Hà Nội điều khiển ô tô BKS 30K-8376 khi lưu thông trên địa bàn, bị phát hiện trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 0,4mg/1 lít khí thở, đồng thời vi phạm một số lỗi khác nên đã bị xử phạt theo Nghị định 71/CP trên 10 triệu đồng... Chế tài xử phạt cao như vậy, theo hai lái xe trên đã có tác dụng răn đe rõ rệt.
Trung tá Nguyễn Văn Tài, Đội trưởng đội CSGT số 3 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) cho biết, bình quân mỗi ngày, đội phát hiện, xử lý hàng trăm trường hợp người điều khiến xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm, đi sai làn đường, chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định... Với nguyên tắc khi thực thi nhiệm vụ là “không nhân nhượng người đi xe gắn máy vi phạm”, nên tất cả các trường hợp bị phát hiện, bắt giữ và xử lý, sau khi được tuyên truyền, nhắc nhở và thông báo lỗi vi phạm đều “tâm phục khẩu phục” ký vào biên bản vi phạm.
Nhiều người tham gia giao thông bày tỏ: “Chỉ đi sai một li là đi ngay tiền triệu nên phải chấp hành nghiêm chỉnh.
Theo Phòng CSGT Hà Nội, năm 2012, Phòng xử lý hơn 700.000 trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tập trung vào các hành vi vi phạm của xe khách dừng đỗ, đón trả khách sai quy định, chở quá số người cho phép và người điều khiển xe ô tô, xe gắn máy vi phạm các quy tắc giao thông. Riêng từ ngày 10/11/2012 đến nay, lực lượng CSGT Hà Nội đã tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm giao thông theo Nghị định 71/CP với mức xử phạt cao. Qua kiểm tra cho thấy, ý thức người tham gia giao thông được cải thiện rõ rệt, các vi phạm về quy tắc, phương tiện không đảm bảo an toàn kỹ thuật, vận tải trên đường bộ đã giảm hẳn so với trước đây. Rõ ràng, việc xử phạt kiên quyết các vi phạm với mức phạt cao tương ứng, đúng người đúng tội và duy trì xử lý thường xuyên sẽ góp phần không nhỏ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông đối với người đi đường hiện nay.
Xây dựng ý thức tự giác chấp hành luật giao thông
Theo các chuyên gia giao thông, việc xác định rõ các vi phạm, xử lý đúng chế tài theo hình thức tăng nặng sẽ phát huy tác dụng răn đe, khiến người tham gia giao thông từng bước xây dựng được ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ.
Thực thi Nghị định 71/CP, Phòng CSGT Hà Nội đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự ATGT, trong đó tập trung xử lý kiên quyết các lỗi: Ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa, xe vận tải côngtennơ và xe mô tô vi phạm tốc độ, lấn làn đường, lái xe lạm dụng rượu bia khi điều khiển, chở quá tải, quá số người, dừng, đỗ, đón trả khách sai quy định, xe không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, sử dụng giấy phép lái xe giả, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe gắn máy... Trên thực tế, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, nhưng hiện nay đáng chú ý là người điều khiển phương tiện khi bị bắt giữ phần lớn đều mắc lỗi kép xuất phát từ việc uống rượu bia quá nồng độ, dẫn đến những hành vi vi phạm khác. Điều này cho thấy ý thức của nhiều người dân rất hạn chế, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”. Do đó, việc tăng mức xử phạt theo Nghị định 71/CP sẽ góp phần cải thiện tình trạng này.
Phòng CSGT Hà Nội cho biết, từ ngày16/12/2012 đến ngày 15/3/2013, lực lượng CSGT thủ đô sẽ triển khai đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT dịp Tết và lễ hội mùa xuân 2013 trên đường bộ, trong đó tổng kiểm soát xe ô tô chở khách và xe gắn máy. Theo đó, lực lượng CSGT sẽ triển khai quyết liệt các biện pháp đồng bộ, nhằm ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các vụ tụ tập, đua xe trái phép, chống người thi hành công vụ; các loại tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông, đảm bảo cho người dân đi lại thuận lợi, an toàn.
Riêng tại các tuyến đường nội đô, lực lượng CSGT phối hợp với lực lượng cảnh sát cơ động, cảnh sát 113, 141, cảnh sát hình sự, công an các quận, huyện, thị xã sẽ tập trung xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự giao thông đô thị, gây ùn tắc giao thông như: Vượt đèn đỏ, điều khiển phương tiện đi ngược chiều, đi vào đường cấm, dừng, đỗ sai quy định... Ngoài ra, lực lượng CSGT Hà Nội sẽ tăng cường xử lý vi phạm trên các tuyến quốc lộ, địa bàn giáp ranh trọng điểm có lưu lượng giao thông lớn, tình hình vi phạm giao thông phức tạp, thường xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông; đồng thời siết chặt kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm hành chính về trật tự ATGT đường sắt, đường thủy.
Ông Nguyễn Văn Nam, phường Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội): Việc xử phạt cần được tiến hành thường xuyên Thời gian qua, đã có không ít các đợt ra quân, các đợt cao điểm tăng cường xử phạt vi phạm giao thông. Theo đó, lực lượng chuyên ngành, liên ngành cùng ra quân phối hợp đồng bộ để việc xử phạt người vi phạm đạt hiệu quả cao. Trong các đợt cao điểm xử lý như vậy, tình trạng vi phạm có giảm. Thế nhưng, sau các đợt cao điểm, các lỗi vi phạm giao thông lại tái diễn. Do đó, việc thực thi pháp luật về ATGT không nên dừng lại ở các đợt cao điểm, mà cần được triển khai thường xuyên, liên tục trong cả năm. Phải có những biện pháp xử phạt và chế tài thật nặng, đủ sức răn đe những đối tượng vi phạm luật giao thông. Có như thế, ý thức chấp hành pháp luật của người dân mới được nâng cao.
Thượng tá Đào Vịnh Thắng, Phó Phòng CSGT Công an Hà Nội: Có chế tài xử phạt mạnh mới đủ sức răn đe Trong khi ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao, thì việc tăng mức xử phạt theo quy định tại Nghị định 71/CP của Chính phủ sẽ tạo sức răn đe đối với người vi phạm, góp phần giảm tai nạn, ùn tắc, bảo đảm trật tự ATGT. Việc mỗi năm có hàng chục nghìn người chết vì TNGT là không thể chấp nhận được. Mỗi ngày lực lượng chức năng xử phạt hàng ngàn trường hợp vi phạm, nhưng xem ra số vi phạm mỗi năm đều tăng, người điều khiển phương tiện chưa biết sợ, thậm chí nhờn luật. Do đó, chỉ có chế tài mạnh mới đủ sức răn đe.
Phó Chủ tịch UB ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp: Chấp hành luật để không bị xử phạt cao Nhiều ý kiến phản hồi cho rằng mức phạt theo Nghị định 71/CP hiện nay quá cao đối với người dân và dễ dẫn đến hiện tượng “chung chi” giữa người vi phạm với lực lượng chức năng. Do đó, tốt nhất là mỗi người trước khi tham gia giao thông hãy tự giác chấp hành luật giao thông để không bị xử phạt. Bên cạnh đó, mức xử phạt vi phạm hành chính không phụ thuộc vào thu nhập của người dân, vì đây là mức quy định để phạt người vi phạm, mang tính răn đe để người tham gia giao thông không vi phạm và không tái phạm. |