Theo đó, toàn bộ hơn 50 bệnh viện công lập trên địa bàn áp dụng mức giá dịch vụ y tế mới cho cả đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế và chưa có thẻ bảo hiểm y tế.
Người dân chưa biết đến quy định tăng viện phíTheo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài 12 bệnh viện tự chủ tài chính đã áp dụng mức giá viện phí mới từ ngày 1/8/2017; đến ngày 1/10, 25 bệnh viện tuyến Thành phố, 20 bệnh viện tuyến quận, huyện còn lại đã áp dụng tăng viện phí với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Ngoài ra, 24 Trung tâm y tế quận, huyện, 322 trạm y tế xã, phường cũng bắt đầu áp dụng giá viện phí theo Thông tư 02 của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, trong ngày 2/10, nhiều người dân vẫn chưa biết đến quy định này. Đơn cử như trường hợp bà Thạch Thị Liên, 42 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh, đang giúp việc nhà tại Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh. Sau một thời gian bị nghẹt mũi, chảy nước mũi kèm đau đầu, bà Liên đến Bệnh viện Trưng Vương Thành phố Hồ Chí Minh khám bệnh. Tại đây, bà được bác sỹ chẩn đoán mắc bệnh xoang mũi. Sau khi thực hiện các thủ thuật nội soi mũi, bà Liên được kê đơn thuốc, hẹn tái khám sau một tháng. Do không có bảo hiểm y tế, số tiền mà bà Liên phải trả cho lần khám bệnh này hơn 1,9 triệu đồng.
Bệnh nhân đăng ký khám dịch vụ tại bệnh viện Quận 2. Ảnh: Phương Vy/TTXVN. |
“Tôi không nghĩ là khám bệnh lại tốn nhiều tiền như vậy. Tôi cũng không biết là giá viện phí tăng từ hôm nay. Nếu biết viện phí tăng, tôi sẽ mua bảo hiểm y tế xong rồi mới đi khám bệnh”, bà Liên cho hay.
Tương tự, chị Đặng Thanh Đào, ngụ tại Quận 9 khá bất ngờ với giá viện phí mới khi đưa mẹ chồng đi khám bệnh tại Bệnh viện Quận 9. Chị Đào cho biết, do phải mua theo hộ gia đình nên vợ chồng chị vẫn “lần lữa” chưa mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả nhà. Nay viện phí tăng cao, chị Đào lo ngại sẽ phải tốn nhiều tiền nếu chẳng may có một thành viên trong gia đình phải nhập viện điều trị.
Tiếc nuối vì chưa kịp mua thẻ bảo hiểm y tế khi viện phí tăng cao là cảm giác chung của nhiều người dân khi đi khám bệnh tại các bệnh viện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong ngày 2/10. Mặc dù vậy, theo quan sát của phóng viên TTXVN, các bệnh viện đã có dán thông báo áp dụng giá viện phí mới từ trước thời điểm 1/10.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh, bệnh viện đã treo băng rôn, dán thông báo tăng viện phí từ hơn một tháng trước để người dân nắm được thông tin. “Hầu hết bệnh nhân đến khám, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu mắc bệnh hiểm nghèo, phải sử dụng nhiều kỹ thuật cao nên nếu không có bảo hiểm y tế sẽ rất thiệt thòi’, bác sỹ Phạm Xuân Dũng cho hay.
Tại Bệnh viện Ung bướu Thành phố, hiện mới chỉ có khoảng 52% bệnh nhân đến khám, điều trị có thẻ bảo hiểm y tế, do đó theo bác sỹ Phạm Xuân Dũng, khi giá viện phí mới được áp dụng, sẽ có nhiều người dân bị ảnh hưởng nặng nề.
20% người dân Thành phố bị ảnh hưởng
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện Thành phố có 80% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Như vậy, vẫn còn 20% dân số Thành phố chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Đây là những đối tượng chính chịu sự tác động của đợt tăng giá viện phí theo Thông tư 02.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đợt tăng giá viện phí lần này tính chung tăng đến 30% so với giá viện phí cũ. Trong số đó, một số dịch vụ tăng rất cao như: Giá khám bệnh ban đầu trước đây chỉ từ 5.000-7.000 đồng/lượt khám, nay tăng lên từ 29.000-39.000 đồng/lượt khám. Tăng mạnh nhất là giường bệnh, từ 57.000 đồng lên 157.000 đồng/ngày/giường. Bà Huyền cho rằng, ngay cả những người dân có thu nhập cao cũng sẽ gặp khó khăn về tài chính nếu chẳng may có rủi ro về y tế, bởi trong tương lai, giá dịch vụ y tế sẽ được tính đầy đủ cả 7 yếu tố cấu thành gồm: chi phí lương, phụ cấp cho cán bộ y tế; chi phí khấu hao trang thiết bị y tế; chi phí khấu hao cơ sở hạ tầng; chi phí đào tạo – nghiên cứu khoa học; chi phí thuốc, vật tư tiêu hao, dịch truyền, máu; chi phí điện nước, thông tin liên lạc, khử khuẩn, xử lý vệ sinh môi trường; chi phí duy tu bảo dưỡng thiết bị.
Bà Lưu Thị Thanh Huyền cho biết: 20% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế chủ yếu là công nhân lao động tự do và những người bắt buộc phải mua theo hộ gia đình. Tuy nhiên, khi mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, người dân sẽ được hưởng lợi do mức đóng từ thành viên thứ 2 trở đi chỉ bằng 70% mệnh giá thẻ.
Các lao động tự do có hộ khẩu ở tỉnh, thành khác đang tạm trú tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng có thể sử dụng chứng nhận tạm trú để mua thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại bệnh viện quận, huyện đang tạm trú. Mục tiêu của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 là trên 90% dân số tham gia bảo hiểm y tế. “Tham gia bảo hiểm y tế người dân sẽ được hỗ trợ rất nhiều chi phí nếu xảy ra sự cố về y tế”, bà Huyền nhấn mạnh.