Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, tình trạng quá tải chỉ xảy ra cục bộ ở một số khoa của một số bệnh viện thành phố và ở những thời điểm khác nhau như khoa sơ sinh, khoa nội của Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn; khoa ngoại của Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội…
Một ca phẫu thuật nội soi thực hiện tại Trung tâm kỹ thuật cao và tiêu hóa Hà Nội (Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn). Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Thống kê năm 2017 cho thấy, số lượt khám bệnh hàng năm tại Hà Nội dao động từ 5,8 đến 6,4 triệu lượt. Số giường bệnh kế hoạch năm 2018 là hơn 11.000 giường, tăng 270 giường so với năm 2017. Công suất sử dụng giường bệnh tính theo giường kế hoạch 3 tháng đầu năm 2018 là 105%, giường thực kê là 84,5%.
Bên cạnh đó, chất lượng bệnh viện cũng được nâng cao. Việc cải cách thủ tục hành chính, cải tiến khoa khám bệnh được đẩy mạnh; mô hình bệnh viện vệ sinh, bệnh viện xanh - sạch - đẹp được triển khai. Trong khám chữa bệnh, nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị được áp dụng, trong đó có nhiều kỹ thuật ngang tầm với các bệnh viện Trung ương, nhất là các lĩnh vực thế mạnh của y tế Hà Nội như sản phụ khoa, tim mạch, ung bướu, phẫu thuật tạo hình…
Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ y tế trình độ cao còn thiếu ở khối y tế cơ sở, y tế dự phòng và các bệnh viện tuyến huyện; cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế được thành phố quan tâm đầu tư song chưa đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân; số lượng các cơ sở hành nghề y dược rất lớn, người hành nghề đa dạng, phức tạp, có cả yếu tố nước ngoài; các văn bản pháp luật quy định trong ngành nghề y dược liên tục thay đổi, hệ thống công nghệ thông tin quản lý chưa đồng bộ; ứng dụng công nghệ thông tin trong các bệnh viện và các cơ sở y tế chưa được liên thông, hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở y tế còn thiếu và yếu...
Ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế Hà Nội trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngành y tế Hà Nội không thiếu nhân lực nhưng thiếu đội ngũ bác sỹ đầu ngành giỏi, thiếu bác sỹ hệ y tế dự phòng. Bộ trưởng Bộ Y tế gợi mở, nếu việc đào tạo nguồn nhân lực tại các trường nội trú quá tải có thể chuyển sang đào tạo nội trú tại bệnh viện; đồng thời đề nghị thành phố Hà Nội lập đề án để cùng các cơ quan liên quan của Bộ Y tế tạo bước đột phá về nguồn lực bác sỹ dự phòng trong thời gian tới.
Về hạ tầng, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Hà Nội có nhiều tiềm năng với các nhà đầu tư, vì vậy cần tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tư nhân vào hoạt động chăm sóc sức khỏe, nhất là các cơ sở khám chữa bệnh, trạm y tế xã, phường.
Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị thành phố Hà Nội làm điểm 4 mô hình, bao gồm: trạm y tế xã, phường theo tiêu chuẩn của Singapore hoặc Nhật Bản; trung tâm phân phối thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; chất lượng bệnh viện kiểu mẫu và mô hình sữa học đường tại các trường học trên địa bàn thành phố để cải thiện chiều cao, cải tạo giống nòi.
Khẳng định công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ quán triệt tới các quận huyện để sắp xếp, thu gọn hệ thống trung tâm y tế, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ và xây dựng quy chế, quy trình phối hợp chỉ đạo giữa thành phố với các quận, huyện để công tác y tế bảo đảm hiệu quả nhất.
Chủ tịch UBND thành phố thông tin thêm, hiện nay, Hà Nội đang thực hiện 3 giải pháp để chống quá tải bệnh viện, bao gồm: sắp xếp lại khoa, phòng bệnh; tăng số giường và thí điểm mô hình cơ chế tư nhân liên danh bệnh viện tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Từ nay đến năm 2020, Hà Nội sẽ sửa chữa, cải tạo Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn thành bệnh viện mẫu của Thủ đô và cả nước, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.