Để chủ động phòng ngừa, ứng phó hiệu quả, giảm thiệt hại do mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đề nghị các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, chủ động tập trung phòng chống mưa lũ, lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn.
Các sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố theo dõi chặt chẽ thông tin diễn biến của mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn để chủ động triển khai các biện pháp, phương án kế hoạch giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” và các giải pháp về phòng chống mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất; rà soát, nắm chắc số lượng phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
UBND các huyện, thành phố chỉ đạo kiểm tra, rà soát những làng, hộ dân sinh sống ở khu vực dễ bị ảnh hưởng trực tiếp của mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất (vùng ven sông, ven suối, ven sườn đồi dễ bị sạt lở, vùng trũng…); vận động người dân tại các khu vực xung yếu, vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ quét, lũ ống đến nơi an toàn nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản. Ngành chức năng tổ chức cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm; hướng dẫn, khuyến cáo người dân trong các hoạt động khi có mưa lũ; phối hợp chỉ đạo, tổ chức giám sát việc vận hành các hồ chứa nước trên địa bàn theo quy trình vận hành được cấp thẩm quyền phê duyệt; sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu.
Sở Giao thông Vận tải phối hợp với các đơn vị liên quan có phương án ứng phó khắc phục sự cố trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và một số tuyến đường xung yếu đảm bảo an toàn và giao thông thông suốt; tổ chức cắm các biển báo, cảnh báo, nghiêm cấm người, phương tiện lưu thông qua khu vực bị ngập lụt, nguy hiểm khi có tình huống thời tiết xấu xảy ra.
Sở Công Thương theo dõi, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện vận hành theo quy trình đã được phê duyệt nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và giảm ngập lụt cho vùng hạ du; có phương án, kế hoạch chuẩn bị lực lượng, vật tư phương tiện sẵn sàng xử lý ngay từ ban đầu khi có sự cố, tình huống phức tạp xảy ra.
Chủ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện nghiêm quy định về quản lý an toàn đập, quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thường xuyên theo dõi, kiểm tra đập, hồ chứa nhằm phát hiện sớm những nguy cơ gây mất an toàn công trình. Chủ đập thủy lợi, thủy điện phối hợp với các địa phương kiểm tra xác định vùng có nguy cơ ngập lụt trong mùa mưa lũ; thông báo, di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân; tổng hợp, báo cáo, cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin về hồ chứa, vận hành hồ chứa gửi các cơ quan liên quan theo quy định.
Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Kon Tum, hai ngày 8-9/10, địa bàn tỉnh Kon Tum tiếp tục có mưa vừa, mưa to, nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở các huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei, Kon Rẫy, Ngọc Hồi, Đăk Tô...