Tại Thái Bình, từ 16 giờ ngày 23/6, bão số 2 đã bắt đầu ảnh hưởng tới 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy gây ra gió giật mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Sóng biển rất to, đúng vào thời điểm nước triều cường lên, khiến nước biển dâng cao 1 - 2 mét làm ngập nhiều vùng ở ngoài đê.
Sóng đánh tràn bờ biển Đồ Sơn, Hải Phòng chiều 23/6. Ảnh: Thu Hằng. |
Trước diễn biến của bão số 2 nhiều khả năng tối và đêm nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp, tỉnh Thái Bình đang tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương ven biển kiểm tra, bảo vệ các tuyến đê biển và khẩn cấp sơ tán, khẩn trương di dời các hộ dân ven biển vào nơi trú ẩn an toàn.
Đến chiều 23/6, tỉnh Thái Bình đã di dời gần 2.300 hộ dân sinh sống và nuôi trồng thủy sản ở ven biển vào trong đê tránh trú bão. Toàn bộ 1.186 phương tiện làm ăn trên biển với trên 3.000 lao động của tỉnh Thái Bình cũng đã vào nơi tránh trú bão an toàn, 19 phương tiện với 127 lao động hoạt động tại vùng biển ngoài tỉnh ở các khu vực đảo Cát Bà, Quảng Ninh, Thanh Hóa cũng đã vào nơi trú ẩn.
Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải Nguyễn Văn Bái cho biết: Ngay trong sáng 23/6, huyện Tiền Hải đã thông báo cho toàn bộ 2.500 lao động trên các chòi ngao ven biển di dời vào trong đất liền; tuyên truyền vận động 173 hộ với 530 nhân khẩu đang sinh sống ở khu vực ngoài đê quốc gia, đặc biệt là 7 hộ tại khu vực xã Đông Long di dời tài sản vào khu vực trong đê. Đến thời điểm này, toàn bộ số lao động và các hộ dân này đã được chính quyền tổ chức di dời vào trong đê tránh trú bão.
Chiều 23/6, tỉnh Thái Bình đã cấm tất cả người dân không được ra ngoài đê chính và yêu cầu mọi người còn ở ngoài đê chính vào nơi tránh trú an toàn; kiên quyết không để người dân còn ở ngoài đê biển và người ở lại trên thuyền khi bão đổ bộ vào bờ. Đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật tư tại các điểm đê sông, đê biển xung yếu sẵn sàng đối phó khi có sự cố xảy ra. Đối với các tuyến đê mới được thi công xong, tỉnh chỉ đạo các địa phương, các đơn vị nhà thầu thi công phải kiểm tra, rà soát việc thả phai hợp khẩu tại tất cả các vị trí, tăng cường công tác quản lý và kiểm tra chặt chẽ trên các tuyến đê biển, tuyệt đối không để người dân nào, hộ dân nào còn ở lại biển trước khi bão đổ bộ vào. Đối với những trường hợp cố tình không chấp hành, phải thực hiện việc cưỡng chế để di dời, đảm bảo hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra.
Các lực lượng quân đội, công an, biên phòng trên địa bàn tỉnh Thái Bình cũng được huy động thường trực 100% quân số, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Ngành nông nghiệp đã chỉ đạo các công ty thủy nông chủ động đóng các cống tưới, mở các cống tiêu, triệt để tiêu thoát nước đệm trên các hệ thống sông trục tiêu đề phòng mưa lớn xảy ra gây ngập úng, nhất là bảo đảm an toàn cho trên 3.700 ha mạ, lúa mùa mới gieo cấy.
TTXVN/Tin Tức