Các phương tiện trên đều nắm được thông tin về bão số 8 và thường xuyên giữ liên lạc với cơ quan chức năng và gia đình, chính quyền địa phương. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đang phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú an toàn.
Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, hồi 13 giờ ngày 13/10, vị trí tâm bão số 8 ở khoảng 19,0 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách Thanh Hóa khoảng 600km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (100-120km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 350km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 25-30km, đi vào vùng biển phía Nam Vịnh Bắc Bộ và có khả năng suy yếu dần về cường độ. Đến 1 giờ ngày 14/10, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 108,0 độ Kinh Đông, cách Thanh Hóa khoảng 240km, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Do ảnh hưởng của bão số 8 nên ở Thanh Hóa từ đầu giờ chiều 13/10 đã có mưa to đến rất to. Dự báo sẽ có mưa to đến rất to và dông đến ngày 14/10, tổng lượng mưa có khả năng đạt 100-150mm, riêng khu vực đồng bằng ven biển và vùng núi phía Nam, Tây Nam của tỉnh có nơi trên 200mm. Ngoài ra, các ngày 15, 16/10 do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với rìa Bắc của dải hội tụ nhiệt đới nên ở Thanh Hóa khả năng tiếp tục có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa có thể đạt 100-150mm, có nơi trên 150mm.
Hiện mực nước các hồ lớn như hồ Trung Sơn 154.05m/160m; hồ Cửa Đạt 94.27m/110m; Hủa Na 224.51m/240m; hồ Sông Mực 31.70m/33m; hồ Yên Mỹ 18.64/20.36m. Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 610 hồ chứa thủy lợi, trong đó có 1 hồ chứa đã đầy nước, còn lại 229 hồ chứa có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường trong đó có 10 hồ chứa dưới mực nước chết. Các đơn vị quản lý, vận hành hồ đã chủ động xả hạ thấp mực nước để đón lũ.
Tỉnh Thanh Hóa cũng chuẩn bị phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ chứa trong đó đã xác định được 33 trọng điểm xung yếu về đê điều; 93 hồ chứa không đảm bảo an toàn gồm 5 hồ lớn, 6 hồ vừa, 82 hồ nhỏ, các hồ này chỉ được tích nước một phần hoặc không tích nước. Các trọng điểm đê điều, hồ đập đều được lập, phê duyệt các phương án bảo vệ theo quy định và giao cho các địa phương, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ điều kiện theo phương châm “4 tại chỗ” để sẵn sàng triển khai. Hiện tỉnh có 12 công trình đê điều và 10 hồ chứa đang thi công dở dang, các công trình này đều được lập, phê duyệt và sẵn sàng triển khai trên thực tế phương án phòng, chống lụt bão đảm bảo an toàn.