Cụ thể, thời gian gần đây người dân thành phố Đông Hà liên tục phản ánh tình trạng mất vệ sinh tại nhiều tuyến đường chính do không được dọn dẹp đường thường xuyên như trước. Để đảm bảo mỹ quan, người dân phải tự quét rác, vệ sinh khu vực đường nơi mình sinh sống.
Chị Thế Thị T.A (đường Lê Thế Hiếu, phường 1, thành phố Đông Hà) cho biết: Từ đầu năm đến nay, đoạn đường trước mặt nhà chị nằm trong danh sách bị cắt không quét vỉa hè ban đêm nên lá cây và rác thải trên đường rất nhiều. Gia đình bức xúc nên nhiều lần phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng chưa được giải quyết triệt để. Để giữ gìn vệ sinh chung, gia đình chị cũng như những hộ dân lân cận sống trên tuyến đường này phải chủ động quét rác và dọn dẹp. Chị T.A mong rằng các ngành chức năng sớm quan tâm, tiếp tục thực hiện việc dọn vệ sinh hè phố để giữ gìn bộ mặt thành phố luôn xanh, sạch, đẹp.
Từ đầu năm 2024, thành phố Đông Hà ngừng duy trì vệ sinh vỉa hè ban đêm tại 12 tuyến đường, trong đó có đường Lê Duẩn (tại 2 đoạn gồm: giáp Cầu vượt Đông Hà đến Lý Thường Kiệt và giáp đường Lý Thường Kiệt đến giáp Cầu Lai Phước); Lê Thế Hiếu (giáp đường Phan Đình Phùng đến giáp đường Hàm Nghi); Đào Duy Từ (giáp đường Hàm Nghi đến giáp đường Hùng Vương); Nguyễn Bỉnh Khiêm… Có 1 tuyến đường không thực hiện vệ sinh ban ngày là đường Lê Lợi (từ Quốc lộ 9 đến đường Lê Thánh Tông). Trong khi đó, tuyến đường Đinh Công Tráng (từ đường Huyền Trân Công Chúa đến giáp đường Phan Chu Trinh) bị đưa ra khỏi danh sách vệ sinh ban đêm; có 14 tuyến đường bị cắt giảm phần việc vệ sinh ban đêm sang thực hiện cách nhật.
Theo ông Phan Xuân Hưng, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp dịch vụ khuyến công và Dịch vụ công ích thành phố Đông Hà: Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do thiếu kinh phí. Hiện nay, tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhiều tuyến đường mới được bàn giao đưa vào sử dụng nhưng không có kinh phí để bố trí thực hiện vệ sinh. Mặc dù kinh phí trong năm 2024 được cấp nhiều hơn năm 2023 nhưng vẫn không đáp ứng được do giá cả nhân công, vật tư, vật liệu tăng dẫn đến dự toán tăng. Trước tình hình trên, đơn vị phải cân đối lại, dẫn đến việc cắt giảm bớt vệ sinh vỉa hè nhiều tuyến đường vào ban đêm cũng như chuyển sang thực hiện vệ sinh vỉa hè cách nhật. Đơn vị đã làm việc với các bên có liên quan, vận động người dân chung tay giữ gìn vệ sinh, hạn chế xả rác bừa bãi, vứt rác đúng nơi quy định cũng như vệ sinh đường phố trước khu vực mình sống. Thời gian tới, đơn vị sẽ báo cáo UBND thành phố Đông Hà cân đối bổ sung kinh phí duy trì hoạt động vệ sinh môi trường trong điều kiện ngân sách có thể. Bên cạnh đó, trên cơ sở Tờ trình của Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà, đơn vị sẽ trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm.
Trước thực trạng trên, ngày 20/2, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Đông Hà đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Trị xin bổ sung kinh phí thực hiện công tác duy trì vệ sinh môi trường thành phố trong năm 2024 khoảng 6 tỷ đồng.
Đông Hà là đô thị loại 3. Theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1234/QĐ-UBND ngày 15/6/2023, Đông Hà phấn đấu mục tiêu đến năm 2030 đạt đô thị loại 2 và đến năm 2045 là đô thị loại 1.