Chị Hà Nam (Ba Đình, Hà Nội) hàng ngày nhận 5-6 cuộc điện thoại tư vấn tham gia đầu tư chứng khoán, đầu tư bất động sản, thậm chí “gạ gẫm” làm người sáng tạo nội dung trên TikTok kiếm hàng chục triệu đồng. “Những cuộc điện thoại này diễn ra hàng ngày khiến tôi cảm thấy khó chịu, nhất là lúc họp hoặc có việc riêng. Cảm giác gần đây các cuộc gọi gia tăng. Thêm vào đó là các cuộc gọi đầu số lạ từ nước ngoài có nội dung lừa đào”, chị Hà Nam chia sẻ.
Những cuộc gọi như trên diễn ra thường xuyên với nhiều người dù trong thời gian qua Bộ TTTT đã cắt gần 1 triệu thuê bao không chuẩn hoá thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Anh Minh Khôi, chuyên gia công nghệ thông tin cho biết: Thuê bao không chuẩn hoá thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chỉ là 1 phần của SIM rác vì trên thị trường vẫn còn rất nhiều thuê bao không chính chủ đã kích hoạt trước đó vẫn dễ dàng mua được. Hiện không có quy định nào cấm người dân sử dụng nhiều SIM nên các đại lý có thể thuê chứng minh nhân dân, căn cước công dân của sinh viên, lao động tự do và thậm chí mua dữ liệu cá nhân trên một số diễn đàn để từ đó kích hoạt SIM. Những SIM này vẫn đầy đủ thông tin và khớp với dữ liệu dân cư quốc gia nhưng không chính chủ, thậm chí là SIM rác.
“Việc sử dụng SIM không chính chủ phụ thuộc vào ý thức của người dân. Có những trường hợp sử dụng 2-3 SIM của các nhà mạng khác nhau, trong đó chỉ 1 SIM chính chủ và các SIM khác có thể người dung không quan tâm, miễn sao phục vụ liên lạc và kết nối dữ liệu. Chính vì vậy, theo thống kê, tại Việt Nam đang có khoảng 125 triệu thuê bao di động hoạt động. Do đó, Bộ TTTT đang hướng đến xử lý những SIM không chính chủ, trong đó rà soát những thuê bao sở hữu trên 10 SIM để khoanh vùng qua đó hạn chế SIM rác”, ông Minh Khôi nhận xét.
Theo Bộ TTTT, hiện cả nước đang ó 82 đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao với tổng số 445 cán bộ được triển khai. Trong đó, Bộ TTTT có 8 đoàn, 74 đoàn thanh tra còn lại được thực hiện bởi sở TTTT các tỉnh thành, địa phương.
Hoạt động thanh tra được thực hiện đồng loạt trên cả nước với 8 doanh nghiệp viễn thông di động, chi nhánh, điểm cung cấp dịch vụ viễn thông và các tổ chức, cá nhân đăng ký số lượng lớn SIM thuê bao.
Theo Thanh tra Bộ TTTT, mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này nhằm xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao, cố tình đăng ký nhiều SIM để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng.
Đối tượng thanh tra là các tổ chức, cá nhân đăng ký nhiều SIM thuê bao, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông sử dụng trái phép thông tin của tổ chức/cá nhân hoặc sử dụng thông tin của mình để đăng ký, kích hoạt trước nhiều SIM, lưu thông ra thị trường. Trong đó, bao gồm cả các điểm cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.
Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long cho biết: "Đợt thanh tra diện rộng này yêu cầu các đoàn thanh tra tập trung làm rõ những tồn tại, sai phạm phát sinh trong quá trình đăng ký, quản lý thông tin thuê bao. Các sai phạm này bao gồm thuê bao có thông tin không đầy đủ, không chính xác, giả mạo giấy tờ để đăng ký thông tin thuê bao, lợi dụng, sử dụng trái phép thông tin của người khác để đăng ký, kích hoạt SIM".
“Qua đợt thanh tra, các sở TTTT cần nắm rõ danh sách các đại lý nhập SIM, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn, nhất là các đại lý nhập SIM số lượng lớn, điểm đăng ký số lượng lớn SIM. Sở TTTT cần nắm rõ thời điểm SIM được kích hoạt số lượng lớn, đẩy ra thị trường để có biện pháp kiểm tra, thanh tra, xử lý, ngăn chặn kịp thời”, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết.
Theo Bộ TTTT, để giải quyết vấn đề SIM rác, qua đó xử lý được các cuộc gọi rác, tin nhắn rác, Bộ xác định qua ba giai đoạn chính gồm: Đảm bảo toàn bộ thuê bao có thông tin, đảm bảo thông tin chính xác bằng việc đối soát với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cuối cùng là xử lý sim không chính chủ. Đến ngày 15/5, các nhà mạng đã chấm dứt hợp đồng và thu hồi số với 985 nghìn thuê bao không chuẩn hóa thông tin. Như vậy, giai đoạn hai đã hoàn thành và đang bước vào giai đoạn cuối là xử lý SIM không chính chủ.