Để tiếp tục chủ động ứng phó với tình hình mưa lũ trong thời gian tới, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Nguyễn Đức Quang đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc và thành phố Hà Nội thực hiện nghiêm Công điện số 09/CĐ - TWPCTT của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia Ứng phó với sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; trong đó, tập trung vào việc theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động các giải pháp phòng tránh lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định; kiểm tra, rà soát và triển khai phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm "bốn tại chỗ"; tập trung xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra như một số sự cố trên tuyến đê sông Thao, tỉnh Phú Thọ.
Ông Nguyễn Đức Quang đề nghị các tỉnh, thành phố trên kiểm tra, rà soát, triển khai phương án đảm bảo an toàn dân cư, các hoạt động kinh tế - xã hội ở ven sông, bãi sông và các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở; sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; tăng cường kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu.
Giám sát lượng mưa, chủ động dự báo thủy văn
Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia Vũ Đức Long cho biết, ngày 20/8, Sở Ngoại vụ, UBND tỉnh Lào Cai đã có Công văn số 362/SNV-LS thông báo Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn (Trung Quốc) dự kiến xả lũ từ 9 đến 17 giờ ngày 20/8.
Để giám sát được lượng mưa bên ngoài biên giới nước ta và chủ động công tác dự báo thủy văn cho các sông xuyên biên giới trong trường hợp không có thông tin về số liệu đo thực tế của các nước khác, Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia đã vận dụng linh hoạt việc ước lượng lượng mưa từ số liệu vệ tinh. Dù việc ước lượng này có nhiều sai số, nhưng đây là cách duy nhất để xác định lượng mưa tại khu vực không có số liệu đo thực tế trên lãnh thổ quốc gia khác. Trung tâm Dự báo Khí tượng và Thủy văn Quốc gia kết hợp với phân tích dữ liệu gia tăng lưu lượng trạm thượng nguồn để tính toán nhận định lũ trên lưu vực sông Thao. Kết quả cho thấy, lũ ở khu vực Lào Cai tăng lên không quá lớn trong 12 giờ (0,9m/12 giờ).
Cũng theo ông Vũ Đức Long, lúc 7 giờ ngày 21/8, lưu lượng tại trạm Mạn Hảo (Trung Quốc), hạ lưu thủy điện Mã Đổ Sơn (cách biên giới Việt Nam khoảng 60-80km) đã giảm nhanh khoảng 600m3/s trong 12 giờ qua. Tại Lào Cai, khu vực đầu nguồn sông Thao (sông Hồng) trên lãnh thổ Việt Nam vừa trải qua một đợt lũ với mực nước đỉnh lũ đạt 82,58m, trên báo động 2 là 0,58m vào 17 giờ ngày 18/8, sau đó xuống dần dưới báo động 1 vào trưa 20/8. Sau khi Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ ngày 20/8, mực nước tại Lào Cai đã lên lại và đạt mức 80,55m vào sáng 21/8, trên báo động 1 là 0,55m. Dự báo trong 12 giờ tới, mực nước sông Thao tại Lào Cai tiếp tục xuống nhanh, tại Yên Bái sẽ lên lại và đạt mức báo động 2 là 31m.
Theo dự báo từ chiều 21 đến ngày 22/8, khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông (phổ biến 40-80mm/24 giờ, riêng Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái có nơi trên 100mm/24 giờ). Do có mưa lớn, mực nước trên các sông, suối khu vực thượng lưu lưu vực sông Hồng - Thái Bình sẽ lên lại và xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 1-3m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao (sông Hồng) có khả năng lên mức báo động 2; thượng lưu sông Chảy và các sông suối nhỏ lên mức báo động 1 - báo động 2; nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất ở nhiều tỉnh miền núi khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là các tỉnh: Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang; nguy cơ ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, các khu đô thị, các tỉnh và thành phố như: Lào Cai, Yên Bái.
Đảm bảo an toàn đê điều
Đánh giá về công tác đảm bảo an toàn đê điều, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Đê điều, Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Công Tuyên cho biết, do ảnh hưởng của bão số 4 và các đợt mưa lớn từ 16-21/8, Nhà máy thủy điện Mã Đổ Sơn xả lũ vào ngày 20/8, mực nước lũ sông Thao tại Yên Bái đã lên trên báo động 3, đạt đỉnh ở mức 33,01; tại Phú Thọ lên trên báo động 1 và đạt đỉnh ở mức: 17,52m. Trong khi đó, mực nước sông Hồng tại Hà Nội đang lên; lúc 13 giờ ngày 21/8 ở mức 5,72m.
Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, Tổng cục Phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh, thành phố huy động nguồn lực, tập trung xử lý các sự cố đê điều đã xảy ra, đảm bảo chống lũ. Cùng với đó, thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Các địa phương tiếp tục kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị theo phương án được duyệt để kịp thời xử lý khi có tình huống; tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là.