5 năm qua, nguồn lực tài chính chỉ đáp ứng 50% nhu cầu để phòng chống HIV/AIDS, trong đó có tới 83% nguồn lực là từ viện trợ quốc tế. Dự kiến, tới năm 2015, các nguồn viện trợ quốc tế sẽ giảm mạnh, có thể chỉ bằng 1/2 mức hỗ trợ kinh phí như hiện nay.
Từ thiếu thuốc ARV…
“Điều mà nhiều người nhiễm HIV/AIDS lo lắng nhất là sắp tới, khi các nhà tài trợ rút hết thì họ còn được cung cấp thuốc ARV đầy đủ và miễn phí như hiện nay không?”, bà Nguyễn Thị Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phụ nữ phòng chống HIV/AIDS và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nói thay nỗi lo lắng của nhiều người nhiễm HIV/AIDS.
Nỗi lo lắng này là hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ ngay khi các nguồn lực hỗ trợ quốc tế chưa bị cắt giảm như hiện nay thì khả năng tiếp cận dịch vụ ARV cho bệnh nhân AIDS vẫn còn kém xa so với nhu cầu thực tế.
Theo một nghiên cứu cấp Bộ (nghiệm thu tháng 7/2010) do Cục Phòng, chống HIV/AIDS và Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, thực hiện tại 8 tỉnh, thành phố: Số bệnh nhân được điều trị bằng ARV mới chỉ đáp ứng được 32% nhu cầu thực tế. Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV đã được thiết lập ở cả ba tuyến trung ương, tỉnh, huyện nhưng phân bố không đồng đều giữa các địa phương. Tại tuyến huyện, độ bao phủ của các cơ sở điều trị ARV mới chỉ đạt 16%, trong đó có 3 tỉnh chưa có cơ sở điều trị ARV ở tuyến huyện là Đồng Nai, Đà Nẵng, Lâm Đồng. Không những thế, tỷ lệ bao phủ của ARV tại các tỉnh hiện rất khác nhau, giao động từ 2,7% như Sơn La đến 76% như ở Khánh Hòa.
Nhân viên y tế chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân AIDS tại Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Điều kiện cơ sở vật chất tại các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị ARV còn nhiều hạn chế, nhất là ở tuyến huyện: 14% cơ sở chưa có ghế cho bác sĩ kê đơn và làm bệnh án, 24% chưa được trang bị giường khám bệnh, 48% chưa có bồn rửa tay, 40% cơ sở có kho dược chưa có hệ thống điều hòa để bảo quản thuốc… Bên cạnh đó, nhân lực tham gia cung cấp dịch vụ điều trị ARV còn thiếu về số lượng, yếu về kiến thức, kỹ năng điều trị ARV. Bình quân mỗi cơ sở điều trị chỉ có 6 cán bộ y tế, trong đó 73% là kiêm nhiệm, 1/2 cán bộ y tế trực tham gia công tác điều trị cho bệnh nhân chưa được tập huấn về quy trình điều trị ARV. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn tới sự lúng túng trong việc triển khai điều trị ARV, hạn chế chất lượng dịch vụ.
Đến thiếu tiền
Theo công bố của Tổng Cục thống kê: Số người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn cả nước vẫn gia tăng. Trong tháng 7/2011 phát hiện thêm 1.300 trường hợp nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm HIV của cả nước tính đến giữa tháng 7/2011 lên 241.200 người, trong đó 97.200 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 50.800 người đã tử vong do AIDS. |
Theo báo cáo phân tích tính bền vững của chương trình HIV/AIDS tại Việt Nam do Trung tâm Nghiên cứu phát triển Y tế công cộng và Tổ chức Abt Associates Inc thực hiện, cam kết hỗ trợ ngân sách từ các tổ chức quốc tế cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam sẽ giảm mạnh trong giai đoạn 2011- 2015. Đơn cử như Tổ chức PEPFAR, một tổ chức luôn hỗ trợ kinh phí lớn nhất cho công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam dự kiến cũng sẽ cắt giảm mức hỗ trợ khoảng 10 triệu USD/năm. Cụ thể, năm 2011 PEPFAR hỗ trợ Việt Nam hơn 82 triệu USD, nhưng tới năm 2015 dự kiến mức hỗ trợ sẽ chỉ còn khoảng 40 triệu USD. Ước tính tổng thể đến năm 2015, Việt Nam sẽ thiếu hụt gần 150 triệu USD/năm để phòng, chống HIV/AIDS.
Đây quả là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam, bởi lẽ dự báo năm 2015,Việt Nam sẽ có khoảng 300.000 người nhiễm HIV, trong đó có 140.000 người cần được điều trị bằng thuốc ARV (gấp gần 3 lần số người đang được điều trị ARV hiện nay).
Đặc biệt thời gian tới, Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn mới có thể đạt được mục tiêu của toàn cầu về phòng chống AIDS, đó là hướng tới mục tiêu 3 không: Không có người mắc HIV mới, không có người chuyển sang giai đoạn AIDS và không có người tử vong do AIDS.
Để đạt được chỉ tiêu đó, Việt Nam phải mở rộng nhanh phạm vi bao phủ dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Công tác phòng, chống HIV/AIDS vì vậy cần đảm bảo cả về kinh phí, nhân lực, vật lực (phương tiện, xe cộ, máy móc xét nghiệm...). Nhưng thực tế, nhân lực cho hệ thống y tế dự phòng nói chung và hệ thống phòng, chống HIV/AIDS nói riêng đang thiếu trầm trọng. Hệ thống phòng, chống HIV/AIDS mới được tái lập lại, đang được hình thành và củng cố, dù phát triển rất nhanh nhưng cần thời gian để đào tạo nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhận thức của lãnh đạo dù đã được nâng lên nhưng chưa đáp ứng được với tình hình. Nhiều cấp, ngành, địa phương, cá nhân còn chủ quan trong công tác phòng chống AIDS, chưa thực sự coi phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách lâu dài như yêu cầu của Chỉ thị 54-CT/TW của Ban Bí thư về Tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS trong tình hình mới.