Xe khách nhồi nhét
Nhiều em học sinh tại buổi gặp gỡ rất bức xúc với tình trang chen lấn, xô đẩy, trên xe khách và bỏ khách khi các em đi loại xe này tới trường.
Em Trịnh Thu Phương, trường THCS Nguyễn Gia Thiều, Quận Tân Bình, cho biết xe buýt là phương tiện đưa đón học sinh khá phổ biến và tiện ích. Tuy nhiên, nhiều lần ngồi trên phương tiện này đi học em thấy khá khó chịu. Nhiều khi, có bác tài xế xe phải chở quá đông khách em phải ngồi trên các thành xe, những lúc chạy nhanh cảm tưởng như “rớt tim” ra ngoài. Việc nhồi nhét hành khách, chen lấn khiến em rất mệt mỏi. Không riêng gì xe buýt mà loại xe nhỏ như xe lam cũng ép khách, chạy tốc độ nhanh gây nguy hiểm cho hành khách ngồi trên xe.
Các em thiếu nhi mạnh dạn bày tỏ ý kiến của mình khi gặp lãnh đạo TP Hồ Chí Minh. |
“Vì vậy, các chú các cô lãnh đạo thành phố xem xét có cách nào để đảm bảo an toàn giao thông cho chúng em tới trường”, em Phương nhắn nhủ.
Tương tự, một em học sinh tại quận 12 cũng cho hay: "Mỗi lần lên xe buýt, em cảm giác tài xế xe buýt không vui vì chúng em được mua vé bằng trợ giá. Thậm chí, là học sinh nhưng em không được mua vé theo hình thức trợ giá mà phải mua với mức 5.000 đồng như mọi người khác.”
Không riêng chuyện bị nhồi nhét, coi thường khi đi xe buýt, xe khách, xe lam… đến trường, nhiều em thiếu nhi tại buổi gặp gỡ còn phản ánh tình trạng các bác tài xế xe buýt thường xuyên bỏ bến, bỏ khách, nhất là thời gian cuối ngày.
Giải đáp thắc mắc của các em học sinh về vấn đề trên , ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho biết: “Thành phố có 136 tuyến với 3.000 xe chở 1,2 triệu lượt/ngày đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Song vẫn còn thực tế tình trạng lái xe không an toàn, bỏ trạm, bỏ khách. Con tôi cũng phản ánh đến chiều là xe buýt bỏ trạm”.
“Thực ra, lãnh đạo Sở rất trăn trở chung về chính sách trợ giá để việc này thực hiện hiệu quả hơn. Thời gian tới Sở sẽ sắp xếp lại hình thức vận tải công cộng cho phù hợp. Nhưng trước mắt sẽ chỉ đạo các trường cụ thể mà các cháu nêu ra. Sở đã làm việc với trung tâm vận tải hành khách để xử phạt lái xe và chủ xe nhằm khắc phục tình trạng bỏ bến”.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp cho sự phát triển TP của thiếu nhi. |
Phát biểu tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn thị Quyết Tâm, Phó Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND TP cho rằng: "Việc lắng nghe ý kiến, chia sẻ với tinh thần cởi mở của chúng ta sẽ giúp các em thiếu nhi được sống trong môi trường học tập, xã hội tốt hơn. Hôm nay, 157 em học sinh có mặt ở đây là thay mặt cho 1,4 triệu thiếu nhi thành phố tới đây để nói lên suy nghĩ của chính mình, các em cũng thay mặt thiếu nhi thành phố báo cáo những điều mà các bạn của mình cùng quan tâm và những mong muốn, nguyên vọng, đề xuất của các em cũng với cách là người trẻ của thành phố.
Muốn được đổi mới
Không chỉ vấn đề muốn được đảm bảo an toàn giao thông khi đến trường, nhiều em thiếu nhi còn quan tâm tới việc giảm tải trong giáo dục, cập nhật số liệu mới trong sách giáo khoa, chia sẻ nhiều hơn với người khuyết tật …
Em Mai Thị Yến, học sinh trường trung học Đoàn Kết, quận 6 chia sẻ: “Thời gian qua em đã hoàn thành rất tốt việc học tập thông qua kết quả rèn luyện. Tuy nhiên, em và các bạn đồng trang lứa nhận thấy, chương trình học hiện quá tải so với sức chịu đựng của chúng em. Bộ Giáo dục vàĐào tạonên phân phối lại chương trình học cho vừa với khả năng. Đặc biệt, cần tránh thực trạng học hành chạy theo điểm số và thành tích”.
Trong khi đó, em Giang Thị Mộng Như, Trường Tân Tạo (quận Bình Tân) cho rằng: Số liệu trong sách giáo khoa hiện nay chưa được cập nhật mới liên tục. Mặc dù là năm 2015 nhưng chúng em phải học sách giáo khoa có số liệu từ năm 2011. Do đó, chúng em không thể nắm bắt được tình hình thời sự hiện nay. Em hy vọng, các cơ quan ban ngành khi đổi mới sách giáo khoa cũng cần cập nhật liên tục số liệu mới để tạo thuận lợi cho người học.
Trả lời thắc mắc của thiếu nhi về giảm tải chương trình học và cập nhật số liệu trong sách giáo khoa, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục thành phố cho rằng, chương trình học và sách giáo khoa là do bộ quy định. Thời gian qua thành phố đã biên soạn, chỉ đạo để giảm tải chương trình cho học sinh trên địa bàn. Thành phố sẽ chỉ đạo đến phòng giáo dục các quận – huyện thực hiện tốt việc này. Riêng về điểm số học tập ông Sơn cho rằng, điểm số để đánh giá kết quả học tập. Ở các nước nếu không bằng điểm số thì cũng đánh giá theo A, B, C chứ không có chuyện không bằng điểm số".
Ngoài việc thắc mắc về vấn đề giảm tải chương trình học, nhiều em học sinh còn biết quan tâm chia sẻ với những người thiếu may mắn trong xã hội, khiến không ít nhà lãnh đạo TP bất ngờ.
Em Phạm Ánh Dương, học sinh lớp 5 đến từ huyện Hóc Môn mong cho hay: “Vừa qua em biết việc một anh khuyết tật vì bị bạn trêu chọn đã đánh người khiến họ tử vong. Mặc dù hành động này hoàn toàn không cố ý nhưng như vậy để thấy, nếu mọi người hiểu và thông cảm với những người khuyết tật thì sẽ không còn chuyện ấy xảy ra. Chỗ em có nhiều người khuyết tật sinh sống nên em hi vọng sẽ có nhiều bạn học sinh hiểu được điều này thông qua các hoạt động đến thăm, giúp đỡ, chia sẻ với các bạn có hoàn cảnh như vậy.
Các em thiếu nhi được Bí thư Đinh La Thăng đề cao những đóng góp trong buổi gặp mặt ngày 27/2. |
Sau khi nghe các tâm tư nguyện vọng của các em, ông Đinh La Thăng, Bí thư TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thành phố mỗi năm gặp các em một lần nhưng phải xem việc lắng nghe các em là điều thường xuyên. Các em có thể nói ra được những điều đó chứng tỏ các em không chỉ là chủ nhân tương lai của ngày mai mà là ngày hôm nay. Những phản ánh của các em ngày hôm nay sẽ được các cơ quan ban ngành rà soát và chấn chỉnh lại. Đặc biệt, trong buổi gặp mặt thiếu nhi vào năm tới các sở ngành phải báo cáo và công khai cụ thể những việc làm được và chưa làm được cho các em. Có như vậy mới chứng tỏ rằng chúng ta lắng nghe và khắc phục, thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của chúng ta với các em thiếu nhi”.
Ngoài ra, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP. HCM cũng cho biết: “Tôi đánh giá cao những ý kiến đóng góp của thiếu nhi cho sự phát triển chung của thành phố. Dù tuổi còn rất nhỏ nhưng các em thiếu nhi có cùng mối quan tâm cùng lãnh đạo TP là làm sao đó để xây dựng thành phố phát triển phồn vinh và giàu đẹp. Tôi muốn được làm bạn với thiếu nhi thành phố để lắng nghe tâm tư, nguyên vọng của các em góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại”./.