Đáng chú ý, xe cũ đang là một trong những nguồn phát thải khí độc hại ra ngoài môi trường, đòi hỏi các đơn vị chức năng cần sớm thu hồi, không cho lưu hành tham gia giao thông.
Thực tế thực hiện thí điểm việc hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ ở Hà Nội cho thấy, nhiệm vụ này cần có lộ trình cụ thể để hành động, từ đó nhằm thực hiện nghiêm việc triển khai kế hoạch quản lý chất lượng không khí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Phương tiện mưu sinh
Theo thống kê, Hà Nội hiện có hơn 5,7 triệu xe máy, trong đó gần 1/2 là xe máy cũ sử dụng lâu năm, sản xuất trước năm 2000; trên 730.000 ô tô, chưa kể nhiều phương tiện từ ngoại tỉnh thường xuyên tham gia giao thông trên địa bàn.
Phân tích từ cơ quan chuyên môn, một chiếc xe máy hoạt động sẽ thải ra 80 - 90% khí CO và khí NO, 50% lượng NOx trong tổng lượng phát thải của các loại xe cơ giới. Đáng lo ngại là trong quá trình hoạt động, xe cũ sẽ thải ra môi trường lượng khí độc cao gấp nhiều lần so với những loại xe được bảo dưỡng định kỳ. Các chất ô nhiễm này gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng môi trường không khí đô thị và là một trong những nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng dân cư.
Ngày 17/6/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 909/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố”. Cụ thể, giai đoạn 2010 - 2013 triển khai Đề án tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; giai đoạn 2013 - 2015 mở rộng phạm vi thực thực hiện đến các thành phố loại 1, loại 2.
Trên cơ sở đó, từ tháng 9/2020 đến nay, Hà Nội đã triển khai chương trình “Nghiên cứu thí điểm đo kiểm khí thải và hỗ trợ đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn Hà Nội”. Theo chương trình này, những chiếc xe máy cũ trên 18 năm tuổi nếu không đạt tiêu chuẩn về khí thải có thể được hỗ trợ một khoản tiền (từ 2 - 4 triệu đồng/trường hợp) để đổi sang xe mới. Nguồn kinh phí này sẽ do Hiệp hội Xe máy Việt Nam cung cấp. Cụ thể, chương trình đã lắp đặt thiết bị đo kiểm khí thải tại 8 đại lý sửa chữa, bảo dưỡng xe máy và lựa chọn 30 đại lý xe máy để thí điểm đăng ký đổi xe mô tô, xe gắn máy cũ.
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến nay, việc áp dụng thực hiện vẫn chưa hiệu quả, người dân vẫn sử dụng xe cũ tham gia giao thông. Đặc biệt, việc hỗ trợ người dân đổi xe máy đã sử dụng quá 18 năm đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xin ý kiến của các sở, ngành, địa phương, đơn vị phối hợp thực hiện để có phương án khả thi nhất...
Không khó để bắt gặp những chiếc xe máy cũ đang lưu thông trên nhiều tuyến phố của Hà Nội. Anh Nguyễn Văn Trung trú tại quận Long Biên làm nghề chở hàng hóa cho các cửa hàng trên địa bàn quận cho biết, anh đã sử dụng xe máy cũ nhiều năm nay. Đây là phương tiện kiếm sống hàng ngày của anh. Bây giờ đơn vị chức năng thu hồi xe cũ sẽ ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của gia đình. Nhà khó khăn, không có điều kiện mua ngay một chiếc xe mới dù được hỗ trợ một phần kinh phí. Anh Trung mong muốn Nhà nước có chính sách hỗ trợ hợp lý cho những người khó khăn như anh.
Cần lộ trình thực hiện
Ngày 18/1/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí. Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh thực hiện các chương trình, nhiệm vụ về quản lý chất lượng không khí theo đúng chỉ đạo tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 1/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trước mắt, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải rà soát, báo cáo việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về khí thải của phương tiện giao thông.
Về vấn đề này, trước đó, ngày 31/12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Văn bản 7442/BTNMT-TCMT yêu cầu hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh việc ban hành, thực hiện kế hoạch phát triển hệ thống giao thông công cộng, ưu tiên phương tiện sử dụng năng lượng sạch, không phát thải; thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không đảm bảo tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường trong thành phố.
Có thể thấy, trong bối cảnh ô nhiễm không khí nghiêm trọng như hiện nay, việc thu hồi các phương tiện cũ là điều cần thiết. Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng, không nên nóng vội thu hồi mà cần có lộ trình thực hiện, tránh gây hoang mang cho người dân. Theo đó, Nhà nước cần xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý vững chắc bởi thực tế hiện nay chưa có hệ thống quy chuẩn để xác định mức phát thải của xe máy. Việc kiểm soát xe cũ nên thực hiện thông qua kiểm kê khí thải, có mốc xác định rõ ràng. Những xe có lượng khí dưới mốc sẽ được lưu thông, các xe trên mốc không được lưu thông.
Mặt khác, thu hồi xe cũ còn là vấn đề về dân sự. Theo quy định của pháp luật, xe máy dù cũ nát vẫn là tài sản hợp pháp của người dân. Nếu không phải là phương tiện vi phạm pháp luật, chính quyền không thể tự ý tịch thu. Do vậy, việc thu hồi xe cũ không đơn giản, cần có khung pháp lý chặt chẽ, người dân tự giác thực hiện, chính quyền trao đổi, khuyến khích, vận động nhân dân không sử dụng xe cũ và dần dần loại bỏ phương tiện này.
Ngoài ra, Nhà nước cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ chủ phương tiện về tài chính. Đa phần người dùng là lao động nghèo, thu nhập phụ thuộc vào chiếc xe cũ để kiếm sống, không thể chuyển đổi sang loại xe mới ngay. Nếu thu hồi mà không có chính sách hỗ trợ hợp lý rất dễ xảy ra trường hợp người dân không chấp hành, tìm cách đối phó, sử dụng chui dẫn tới tình trạng quy định không được thực hiện một cách triệt để.