Sông Đại Giang có độ sâu từ 4 - 6m, rộng khoảng 150m, có 60 hộ nuôi cá lồng với 540 lồng cá, diện tích mỗi lồng 20m2, chủ yếu là cá mè và cá trắm. Thiệt hại nặng nhất là cá nuôi lồng tại xã Thủy Tân với 330 lồng cá nuôi của 48 hộ nuôi bị chết, hầu như mất trắng.
Cá nuôi lồng tại Thủy Tân bắt đầu chết từ tháng 9, đến những ngày đầu tháng 10 thì mức độ thiệt hại do cá nuôi bị chết trong giai đoạn gần cho thu hoạch tăng nhanh, với gần 40 tấn. Cá chết chủ yếu là loài mè hoa, trắm cỏ, xảy ra phổ biến ở khu vực đội 1, đội 2 thuộc thôn Hòa Phong (xã Thủy Tân). Cá chết phần lớn là loại nuôi lấy thịt làm thực phẩm, giá trị thiệt hại khoảng 1,034 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch UBND xã Thủy Tân Nguyễn Tấn Hợp, những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng phát triển mạnh và mang lại hiệu quả đáng kể cho việc giải quyết sinh kế, phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn chưa từng xảy ra tình trạng cá nuôi chết nhiều như vậy.
Đặc biệt, đây là lứa cá nuôi để bán trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, nay bị mất trắng khiến người dân lao đao, nợ nần thêm chồng chất. Trước mắt, UBND xã Thủy Tân trích ngân sách hỗ trợ người dân 7,6 triệu đồng (200.000 đồng/hộ) để làm vệ sinh lồng bè, thu gom và chuyển cá chết về bãi tập kết rác để xử lý theo quy định.
Bước đầu nguyên nhân được xác định là do khu vực nuôi thiếu oxy vì mật độ lồng nuôi quá dày, số cá trong một lồng cao; lưu tốc nước sông thấp (dưới 0,5m/s); bèo lục bình trong vùng nuôi dày đặc; nền đáy khu nuôi không được làm vệ sinh thường xuyên gây tồn đọng khí độc, thiếu oxy...