Huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế là vùng đất cách mạng kiên cường, từng phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi hậu quả chiến tranh để lại, với mức độ ô nhiễm bom, mìn cao. Toàn tỉnh có hơn 172.000 ha đất đai bị ô nhiễm bom, mìn, đến nay mới khắc phục được khoảng 10% diện tích. Đời sống nhân dân, nhất là các nạn nhân bị tai nạn do bom, mìn, còn nhiều khó khăn, cần sự chia sẻ, giúp đỡ.
Phát biểu tại chương trình, Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đánh giá: Hậu quả của cuộc chiến tranh trên phạm vi cả nước còn hết sức nặng nề và chưa được giải quyết triệt để. Hàng vạn gia đình có người thân mất mát, thương tật, với hàng vạn nạn nhân bị tai nạn do bom mìn vật nổ, nhiễm chất độc da cam và hàng triệu ha đất còn bị ô nhiễm bom mìn không thể canh tác và tái định cư. Hậu quả bom mìn còn tồn sót là hết sức nặng nề và luôn tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường.
Chỉ tính từ sau năm 1975 đến nay, cả nước có đến hơn 45.000 người chết, hơn 62.000 người bị thương vì bom mìn. Và thật xót xa, trong số đó có hơn 30.000 nạn nhân là trẻ em.
Tại chương trình, cán bộ của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam đã tuyên truyền về những biện pháp phòng, tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân và các em học sinh trên địa bàn. Thông qua tuyên truyền, hướng dẫn, nhằm giúp người dân và các em học sinh cách nhận biết một số loại mìn, vật nổ thường gặp và cách xử lý khi phát hiện các vật nghi là bom, mìn, vật nổ.
Tại sự kiện, Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam phối hợp với Quỹ Hoa Hoà Bình Việt Nam cũng trao hỗ trợ sinh kế cho 30 nạn nhân bom mìn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Số tiền hỗ trợ sinh kế này sẽ được đầu tư vào chăn nuôi, mua sắm công cụ sản xuất, kinh doanh nhằm giúp các nạn nhân bom mìn phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn.
Ban tổ chức cũng trao tặng 20 xe đạp cho các cháu học sinh nghèo vượt khó và một số sách truyện tranh tuyên truyền phòng chống tai nạn bom mìn cho học sinh tại các trường phổ thông.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát chia sẻ: Sự hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân và các em học sinh đợt này tuy còn khiêm tốn, và chưa thể quan tâm được đến tất cả các nạn nhân, nhưng đây cũng là cố gắng to lớn của Hội và Quỹ Hoa Hòa Bình Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, là sự kiện có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc đối với các hoạt động của Hội trên khắp đất nước nói chung và đặc biệt đối với các tầng lớp nhân dân, các nạn nhân bom mìn huyện A Lưới.
Dự và phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Thanh Bình đánh giá, chương trình của Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam là hoạt động có ý nghĩa nhân văn. Đặc biệt, công tác tuyền truyền phòng, chống tai nạn bom mìn hướng đến các đối tượng trẻ em, học sinh có ý nghĩa quyết định giúp nâng cao nhận thức, từ đó mang đến cuộc sống âm no cho người dân, giúp huyện A Lưới từng bước hoàn thành mục tiêu kinh tế - xã hội.
Một số hình ảnh tại chương trình:
Trong hơn 9 năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã có những hoạt động rất tích cực, thiết thực và hiệu quả trên phạm vi cả nước, nhất là những địa phương trọng điểm về bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Hội đã tiến hành 32 đợt hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn và hỗ trợ sinh kế nạn nhân trên địa bàn các tỉnh trọng điểm, ô nhiễm nặng bom mìn.
Đến nay, tổng số người được hỗ trợ sinh kế của Hội trên 5.600 người, trong đó 325 gia đình nạn nhận được hỗ trợ 01 con bò sinh sản/gia đình (nạn nhân tỉnh Hà Giang được trao 113 con, Quảng Nam 80 con, Quảng Ngãi 25 con, Đà Nẵng 50 con, Quảng 1 85 con...) hiện nay đàn bò tại “Ngân hàng bò” các tỉnh đã phát triển thêm hàng trăm bò con.
Trên 5.000 người được hỗ trợ sinh kế với các mức khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể như: tặng nhà tình nghĩa, hỗ trợ vốn kinh doanh, mua sắm công cụ sản sửa chữa nhà ở, tặng một số phương tiện nghe nhìn (tivi, radio), hàng trăm chân tay giả, xe lăn và dụng cụ chỉnh hình phục hồi chức năng cho nạn nhân, tặng tiền và quà nhân dịp tết Nguyên đán, Tết Trung thu hàng năm cho hàng ngàn gia đình nạn nhân, tặng cho học sinh và nhân dân các địa phương đực ngàn chăn ấm, áo ấm, mũ len, dày, dép, tất.
Tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí tiền thuốc cho hơn 2.000 nạn nhân bom mìn, gia đình chính sách, nạn nhân da cam và người nghèo, hỗ trợ quỹ “ nâng bước em đến trưởng 300 triệu đồng, trao tặng hàng ngàn sách vở, đồ dùng học tập và 270 xe đạp cho học sinh các Trường dân tộc nội trú và hơn 3.000 cuốn sách truyện tranh tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho thiếu nhi và học sinh trường học các địa phương.
Ngoài ra hàng chục vụ tai nạn do bom mìn nổ đột xuất gây ra thương vong trên các địa bàn, đều được Hội tổ chức kịp thời thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ nạn nhân, giúp họ và gia đình vượt qua khó khăn.