Để chủ động ứng phó với mưa lớn tại Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để nghị Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chịu ảnh hưởng của mưa lớn tổ chức thực hiện nghiêm túc các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 1021/CĐ-TTg ngày 1/8 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 297/VPTT ngày 3/8 của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để chủ động ứng phó với mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng...
Các tỉnh, thành phố tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định đời sống của nhân dân và sẵn sàng ứng phó với các đợt thiên tai mới; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, hướng dẫn kỹ năng nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân để chủ động phòng tránh, ứng phó hiệu quả, phù hợp với diễn biến thiên tai.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thường xuyên cập nhật, kịp thời cung cấp các bản tin dự báo cảnh báo mưa, lũ, lũ quét, sạt lở đất và khu vực bị ảnh hưởng.
Các tỉnh, thành phố tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên tổng hợp báo cáo tình hình diễn biến thiên tai, thiệt hại về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trước 16 giờ hàng ngày.
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 5/8, hoàn lưu sau bão và mưa lớn đã làm hai người chết tại Quảng Ninh và Hòa Bình; 4.118 ha lúa và hoa màu bị ngập úng; 318 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại; hai kè bị sạt lở, hư hỏng (kè du lịch thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định đã được địa phương xử lý, khắc phục; kè bảo vệ dân cư tại tổ 9, khu 7, phường Bãi Cháy, tỉnh Quảng Ninh bị sạt lở dài 40m, hiện địa phương đã di dời 3 hộ dân đến nơi an toàn).
Bên cạnh đó, thiên tai cũng làm 17 vị trí trên Quốc lộ 16, Quốc lộ 217, Quốc lộ 47 đoạn qua các huyện Mường Lát, Quan Sơn và Thường Xuân tỉnh Thanh Hóa bị sạt lở taluy dương với tổng khối lượng khoảng 3.300m3. Một điểm trên Quốc Lộ 6 đoạn qua huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La bị sạt lở hơn 100m3. Nhiều tuyến đường giao thông địa phương tại các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình bị sạt lở, hư hỏng.
Tại Sa Pa, tỉnh Lào Cai, mưa lớn đã gây sạt lở taluy dương thuộc tuyến đường DH92, tổ 5, phường Phan Si Păng khiến việc đi lại của người dân gặp khó khăn. Đây là tuyến đường nối từ trung tâm thị xã Sa Pa đi xã Hoàng Liên và điểm du lịch Cát Cát.
Theo thống kê ban đầu, mưa lớn đã làm 3 hộ các ông Trần Văn Khương, Nguyễn Văn Thuận, Má A Phà (phường Phan Si Păng) bị bùn đất trôi vào nhà; 10 điểm nền đường từ tổ 5, phường Phan Si Păng đến ngã ba thôn Cát Cát, xã Hoàng Liên bị hư hỏng và sạt lở taluy với khối lượng hàng nghìn mét khối đất, đá. Đặc biệt, có điểm đất, đá từ các công trình xây dựng tràn ra mặt đường khiến các phương tiện đi lại hết sức khó khăn. Tuyến đường bị hư hỏng nặng khiến du khách và nhân dân địa phương gặp khó khăn khi lưu thông ra vào xã Hoàng Liên và khu du lịch Cát Cát.
Tại tỉnh Cà Mau, tính đến 17 giờ 30 phút ngày 4/8, mưa lớn kèm theo dông lốc xảy ra từ ngày 1- 4/8 đã làm 66 nhà bị sập đổ; 463 nhà bị tốc mái, hư hỏng; 8 cột điện, 40 cây xanh và 131 ha chuối bị ngã, đổ...
Ngoài ra, do mưa to, dông lốc, tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau đã xuất hiện nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Cùng với đó, tình trạng triều cường dâng cao kết hợp với biển động, nhiều khả năng nước biển sẽ tràn vào nội đồng tại những đoạn đê thấp.
Theo báo cáo của UBND huyện U Minh, sạt lở đê biển Tây xảy ra tại 4 đoạn với tổng chiều dài là 451 m. Các đoạn bị sạt lở có vị trí cách kênh Giồng Cát lần lượt là 400 m, 1.800 m, 2.600 m và 3.340 m về hướng kênh Tiều Dừa; mức độ sạt lở từ 40-316 m. Nghiêm trọng hơn là việc đai rừng phòng hộ tại đoạn đê bị sạt số 1 và 2 còn rất mỏng, chỉ từ 10-20 m; tại đoạn đê bị sạt số 3 và 4 thậm chí không còn đai rừng phòng hộ. Ngoài ra, đoạn đê biển Tây từ Rạch Dinh đến Lung Ranh có chiều dài khoảng 1.700 m đang rất thấp, có khả năng bị tràn nếu triều cường tiếp tục dâng cao.
Tại tỉnh Tây Ninh, thiên tai xảy ra từ ngày 31/7-1/8 trên địa bàn huyện Tân Châu đã làm 4 người bị thương, 5 nhà bị sập, hư hỏng.
Ngày 5/8, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ cho biết, các trận mưa lớn kèm theo dông lốc trong những ngày đầu tháng 8 trên địa bàn thành phố đã gây thiệt hại khá lớn về tài sản cho người dân. Tính đến chiều 4/8, Cần Thơ đã có 100 căn nhà bị sập, tốc mái, xiêu vẹo do mưa dông, lốc xoáy, trong đó nhà bị sập là 12 căn. Các quận, huyện có số lượng nhà sập, tốc mái nhiều nhất là huyện Thới Lai, quận Ninh Kiều, huyện Phong Điền. Các trận mưa to kèm theo dông lốc còn làm đổ ngã nhiều cây xanh, trụ điện, các biển quảng cáo… với thiệt hại tài sản ước tính hơn 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quý Ninh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, trước mắt Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố tạm ứng cho huyện Thới Lai 150 triệu đồng và quận Ô Môn 50 triệu đồng để hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Chính quyền địa phương đã tổ chức thăm hỏi và huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sớm ổn định cuộc sống.