Bệnh nhân phát hiện bệnh cơ tim giãn đã 13 năm, hiện suy tim giai đoạn cuối; chức năng VG giảm nặng với EF: 14%; PAPs: 65mmHg...
Sau khi được đặt máy tái đồng bộ cơ tim (CRT) lần đầu tại Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế (Thừa Thiên - Huế) năm 2010 và tại Khoa Nội Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế nhiều lần, sức khỏe bệnh nhân vẫn không tiến triển, bệnh ngày càng nặng bởi suy tim mất bù cấp; phải dùng đến các thuốc vận mạch, nguy cơ đe doạ tử vong.
Ngày 13/6/2018, bệnh nhân rơi vào tình trạng suy tim nặng EF còn 16% và Dd 80mm. Vì vậy, Bệnh viện Trung ương Huế đã đưa bệnh nhân vào danh sách chờ ghép tim.
Vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 27/1, ê kíp phẫu thuật tim của Bệnh viện Trung ương Huế tiến hành ghép quả tim từ một người hiến chết não tại Bệnh viện Việt - Đức (Hà Nội) cho bệnh nhân Huỳnh Công M. Quả tim chính thức được đưa vào lồng ngực người nhận vào lúc 16 giờ 40 phút cùng ngày và tim đập trở lại trong lồng ngực người nhận lúc 18 giờ 15 phút cùng ngày.
Thời gian thực hiện từ lúc lấy tạng cho đến khi tim đập được là gần 7 giờ. Khó khăn trong ca ghép tim xuyên Việt lần này là thời gian vận chuyển diễn ra dài bởi quãng đường vận chuyện xa, cần nhiều phương tiện di chuyển.
Bên cạnh đó, chuyến bay chở quả tim của hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) từ Sân bay Nội Bài (Hà Nội) đến Sân bay Đà Nẵng cất cánh trễ so với dự kiến. Trong khi đó, thời gian cho phép thiếu máu tạng là rất ít.
Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, để đảm bảo kịp thời gian ghép tim, kíp vận chuyển tim của Bệnh viện đã phải rửa tim ngay trên chuyến xe từ Đà Nẵng ra Thừa Thiên - Huế.
Sự thành công của ca ghép tim là kết quả của sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt - Đức và Vietnam Airlines. Ngoài ra, đây còn là món quà đầu năm ý nghĩa dành cho bệnh nhân cũng như gia đình bệnh nhân.