Thực phẩm Tết “3 không” nhộn nhịp "chợ online"
Trong dịp Tết Nguyên đán, việc mua sắm các sản phẩm Tết qua mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Chỉ cần lướt các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay TikTok, Shopee… không khó để bắt gặp hình ảnh nhiều mặt hàng, đặc sản của các vùng miền phục vụ ngày Tết.
Chị Thu Hồng (ngụ thành phố Thủ Đức), là kế toán của một công ty xây dựng, cho hay, cuối năm bận rộn công việc, chị ít có thời gian đi mua sắm, hơn nữa gần đây TP Hồ Chí Minh liên tục kẹt xe nên chị chọn mua sắm trên online. Từ khi đi “chợ online”, việc sắm Tết của gia đình chị cũng đỡ vất vả hơn.
“Rút kinh nghiệm từ năm ngoái khi mua phải hộp mứt bị mốc, năm nay tôi ưu tiên chọn mua bánh, mứt và giỏ quà Tết từ các gian hàng online của siêu thị để đảm bảo an toàn. Các loại thực phẩm như giò, chả, tôi đặt mua từ người quen. Rau củ quả, thịt và cá tươi sống thì chờ đến khi được nghỉ Tết, tôi sẽ ra siêu thị mua một ít, đủ dùng trong hai ngày Tết vì những năm gần đây, các siêu thị và chợ đều mở bán rất sớm”, chị Thu Hồng chia sẻ.
Dễ thấy, điểm chung của các sản phẩm này là mẫu mã bắt mắt và nhiều chương trình khuyến mãi hấp dẫn, giao hàng tận nơi. Cụ thể, trên sàn thương mại điện tử TikTok, một tài khoản có tên "V. K. C" đã đăng tải quảng cáo các sản phẩm mứt trái cây đa dạng, được đóng sẵn vào các khay với nhiều màu sắc bắt mắt. Mỗi khay có trọng lượng 500g, bao gồm 10 loại mứt trái cây khác nhau như mứt kiwi, xí muội mận đỏ, mứt dừa, nho... Những sản phẩm này được shop quảng cáo giảm giá mạnh lên đến 58%, từ 350.000 đồng mỗi khay giảm xuống chỉ còn còn hơn 146.000 đồng, kèm theo quà tặng là một hộp nho khô.
Tương tự, tài khoản "A. V. N. H" trên TikTok cũng giới thiệu các loại mứt ô mai, mứt trái cây được đóng trong các túi zip bạc, trọng lượng từ 500g đến 700g. Các sản phẩm này được bán theo từng combo gồm ba loại mứt khác nhau, với mức giá dao động từ 160.000 đồng đến 250.000 đồng.
Không chỉ trên các sàn thương mại điện tử, hoạt động mua bán thực phẩm Tết trong các hội nhóm cư dân chung cư cũng diễn ra sôi động không kém. Cụ thể, trong một nhóm cư dân chung cư tại thành phố Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) với hơn 14.000 thành viên, không khí mua bán hàng hóa Tết những ngày gần đây trở nên sôi động. Bên cạnh các mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau củ, quả phục vụ nhu cầu hàng ngày, các mặt hàng Tết như lạp xưởng, mứt các loại, hạt dưa, hạt hướng dương, khô bò, khô heo, khô gà, bánh chưng, giò chả… cũng được rao bán rầm rộ trên nhóm.
Hầu hết, các sản phẩm này đều được giới thiệu là “nhà làm” với các cam kết như “không chất bảo quản”, “không phẩm màu”, hoặc “đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Tuy nhiên, những sản phẩm này lại không có nhãn mác, bao bì hoặc thông tin chi tiết về ngày sản xuất, hạn sử dụng hay địa chỉ sản xuất. Còn đối với những sản phẩm quảng cáo là hàng nước ngoài, không có thông tin dán nhãn tiếng Việt. Việc mua bán thực phẩm online trên các hội nhóm này thường dựa vào niềm tin bởi thông tin về nguồn gốc, xuất xứ, cơ sở sản xuất, ngày sản xuất hay hạn sử dụng của các sản phẩm này không được công khai đầy đủ.
Tiềm ẩn những rủi ro
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh, ngoài các hệ thống cửa hàng lớn bán hàng theo hình thức online, phần lớn các cơ sở bán hàng online tự phát hiện nay đều không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm và không đăng ký kinh doanh. Các địa chỉ sản xuất thực phẩm "nhà làm" được quảng bá trên mạng thường là địa chỉ ảo, gây khó khăn trong việc truy tìm nguồn gốc. Do đó, số lượng mặt hàng và cơ sở kinh doanh qua mạng xã hội được kiểm tra ít hơn nhiều so với các cơ sở kinh doanh trực tiếp bên ngoài, làm tăng nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Bà Lan cũng nhấn mạnh, thách thức lớn nhất hiện nay là thiếu các quy định cụ thể để quản lý hoạt động kinh doanh thực phẩm trên các sàn thương mại điện tử và mạng xã hội.
Theo đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), trong những năm gần đây, việc mua bán đồ ăn và thực phẩm chế biến sẵn trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Zalo đã trở nên phổ biến, đặc biệt sôi động vào dịp Tết khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao. Các loại thực phẩm này thường được sản xuất thủ công tại các hộ gia đình nhỏ lẻ, với điều kiện hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị và dụng cụ. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, đặc biệt khi số lượng đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất và chế biến của các cơ sở này.
Về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán 2025, bà Lan cho biết, đơn vị đã tập trung thanh tra và kiểm tra các cơ sở sản xuất từ 2 tháng trước Tết. Đặc biệt, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều trong dịp Tết như giò chả, xúc xích, thịt nguội, bánh kẹo, mứt và rượu được chú trọng kiểm soát. Theo bà Lan, tính đến thời điểm hiện tại, thành phố chưa phát hiện trường hợp nào vi phạm các điều kiện về an toàn thực phẩm.
“Trong dịp Tết, chúng tôi sẽ tập trung kiểm tra các đơn vị phân phối, đặc biệt chú trọng đến các giỏ quà Tết được đóng gói sẵn, do đây là mặt hàng tiềm ẩn nguy cơ trà trộn hàng hóa quá hạn. Chúng tôi sẽ lấy mẫu để kiểm tra kỹ lưỡng những sản phẩm này”, bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, sau khi nhận thông tin về vụ việc giá đỗ ngâm hóa chất độc hại được phát hiện tại siêu thị Bách hóa Xanh ở Đắk Lắk, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh đã lập kế hoạch kiểm tra các mặt hàng giá đỗ tại siêu thị và chợ trước, trong và sau Tết.
Mới đây, đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại một tổng kho hàng của Bách hóa Xanh ở Quận 7 và lấy mẫu giá đỗ từ các chợ để phân tích. Kết quả bước đầu cho thấy, tất cả các mẫu đều đạt quy định an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, bà Lan lưu ý rằng, việc kiểm tra này chỉ mang tính thời điểm. Vì sau vụ việc tại Đắk Lắk, các doanh nghiệp và chủ sạp hàng đã có sự chuẩn bị khi đoàn đến kiểm tra. Đoàn sẽ tiếp tục kiểm tra bất ngờ và âm thầm trong thời gian tới để đảm bảo kết quả khách quan hơn.
Bà Lan cũng khuyến cáo người dân không nên tích trữ hàng hóa Tết, mà chỉ cần mua sắm vừa đủ để đảm bảo an toàn thực phẩm và tiết kiệm chi tiêu vì các hệ thống phân phối bán lẻ hoạt động liên tục, nhiều nơi còn bán xuyên Tết. Khi sử dụng thực phẩm, người dân cần chú ý đến hạn sử dụng và cách bảo quản theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Nếu phát hiện hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm hoặc gặp sự cố liên quan, hãy liên hệ ngay đến đường dây nóng của Sở An toàn thực phẩm để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.