Ghi nhận 14.591 ca nhiễm mới SARS-CoV-2
Tính từ 16 giờ ngày 5/12 đến 16 giờ ngày 6/12, Việt Nam ghi nhận 14.591 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, Cần Thơ là tỉnh có số mắc cao nhất trong ngày.
Trong số các ca nhiễm mới, có 33 ca nhập cảnh và 14.558 ca ghi nhận trong nước (tăng 246 ca so với ngày trước đó) tại 59 tỉnh, thành phố (có 8.227 ca trong cộng đồng).
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.323.3 ca nhiễm, đứng thứ 35/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 149/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 13.427 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.318.1 ca, trong đó có 1.007.590 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Có 2 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua là: Bắc Kạn, Lai Châu.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là: TP Hồ Chí Minh (479.483 ca), Bình Dương (284.489 ca), Đồng Nai (89.822 ca), Long An (.800 ca), Tây Ninh (33.342 ca).
Trong ngày 6/12, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 1.130 ca.
Từ 17giờ 30 ngày 5/12 đến 17 giờ 30 ngày 6/12, cả nước ghi nhận 223 ca tử vong tại các địa phương. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 26.483 ca, chiếm tỷ lệ 2% so với tổng số ca nhiễm.
56 phường, xã tại TP Hồ Chí Minh tăng cấp độ dịch, Hà Nội tăng vọt số ca lây nhiễm
Ngày 6/12, UBND TP Hồ Chí Minh đã có thông báo về cấp độ dịch COVID-19 trên địa bàn; trong đó có 56 phường, xã, thị trấn tăng cấp độ dịch so với tuần trước. Đặc biệt, Quận 4 từ cấp độ 2 đã tăng lên cấp độ 3, tức từ “vùng vàng” chuyển lên “vùng cam”.
Đối với cấp quận, huyện và thành phố Thủ Đức, có 8/22 địa phương đạt cấp độ 1 gồm Quận 1, 6, 7, 8, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Bình Chánh, Củ Chi.
Có 13/22 địa phương đạt cấp độ 2 gồm Quận 3, 5, 10,b11, 12, Bình Tân, Gò Vấp, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp, thành phố Thủ Đức và các huyện Cần Giờ, Hóc Môn; có 1/22 địa phương đạt cấp độ 3 là Quận 4.
Như vậy, so với tuần trước đó, TP Hồ Chí Minh có 3 quận tăng cấp độ dịch gồm Quận 11 từ cấp độ 1 lên cấp độ 2; huyện Cần Giờ từ cấp độ 1 lên cấp độ 2 và Quận 4 từ cấp độ 2 lên cấp độ 3; có 1 địa phương giảm cấp độ dịch là quận Tân Phú, từ cấp độ 2 xuống cấp độ 1.
Đánh giá cấp độ dịch ở cấp phường, xã, thị trấn, có 104/312 địa phương đạt cấp độ 1; 187/312 địa phương đạt cấp độ 2; 21/312 địa phương đạt cấp độ 3. Trong đó, 20 phường, xã giảm cấp độ dịch và 56 phường, xã tăng cấp độ dịch so với tuần trước.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, hiện các bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh đang điều trị cho 13.1 người; trong đó có 497 trẻ dưới 16 tuổi, 431 bệnh nhân đang thở máy và 14 bệnh nhân đang phải can thiệp ECMO.
Trong ngày, TP Hồ Chí Minh ghi nhận số ca tử vong tăng, lên đến 94 ca.
Trong khi đó, tại Hà Nội, từ 18 giờ ngày 5/12 đến 18 giờ ngày 6/12, Hà Nội ghi nhận 774 ca nhiễm SARS-CoV-2; trong đó có 280 ca cộng đồng, 343 ca trong khu cách ly, 151 ca trong khu phong tỏa
Bố trí nhân lực tiếp tục hỗ trợ các tỉnh miền Nam
Ngày 6/12, Bộ Y tế họp trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh đang có ca mắc COVID-19, số ca tử vong gia tăng trong thời gian gần đây là: TP Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu và An Giang.
Tại cuộc họp, các tỉnh đã báo cáo tình hình dịch bệnh trên địa bàn, đề xuất các giải pháp hỗ trợ để kiểm soát dịch.
Trước tình hình số ca mắc COVID-19 tăng cao, các địa phương đã đề xuất Bộ Y tế chi viện thêm nhân lực từ các bệnh viện trung ương để hỗ trợ công tác điều trị; cấp thêm vaccine để tiêm mũi bổ sung và thuốc kháng virus phục vụ điều trị F0 tại nhà có kiểm soát; hỗ trợ máy thở…
Về đề xuất tăng cường nhân lực, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục Quản lý Khám chữa bệnh rà soát ngay việc điều động nhân lực từ các bệnh viện tuyến trung ương theo Quyết định số 5500/QĐ-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành ngày 30/11/2021 về việc phân công các bệnh viện tuyến trên trực tiếp hỗ trợ chuyên môn trong quản lý, điều trị COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh và 10 tỉnh phía Nam.
Bộ trưởng cũng yêu cầu các Bệnh viện trong danh sách phân công phải nhanh chóng đưa thêm nhân lực vào các tỉnh này để đảm bảo phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác phòng chống dịch. Trong đó, Bệnh viện Bạch Mai, phải cử thêm 1 đoàn cán bộ y tế nữa đến An Giang trong ngày 7/12; Bệnh viện Việt Đức vào hỗ trợ Bà Rịa- Vũng Tàu; Bệnh viện E vào hỗ trợ Tây Ninh, Bệnh viện Nội tiết Trung ương vào hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng. Riêng TP Cần Thơ, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục hỗ trợ thành phố trong công tác điều trị.
Bộ trưởng chỉ đạo các bệnh viện tuyến trung ương phải cử chuyên gia hồi sức có kinh nghiệm đến các tỉnh để hỗ trợ điều trị, đồng thời chú trọng triển khai tập huấn, nâng cao năng lực điều trị cho y bác sĩ tại chỗ.
Lực lượng Quân y Bộ Quốc phòng hỗ trợ Cần Thơ phòng, chống dịch COVID-19
Trưa 6/12, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ tổ chức đón 24 cán bộ, học viên của Bệnh viện Quân y 354 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng) hỗ trợ bệnh viện trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trước đó, vào ngày 4/12, lực lượng Quân y gồm 198 cán bộ, học viên thuộc các đơn vị (Học viện Quân y, Bệnh viện Quân y 354, Bệnh viện Quân y 105, Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội) đã đến sân bay Cần Thơ và được phân về các tỉnh, thành gồm Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Kiên Giang và Cục Hậu cần (Quân khu 9) nhằm tăng cường hỗ trợ ngành Y tế các địa phương phòng, chống dịch.
Hà Nội có thể hạn chế hoặc dừng một số hoạt động dịch vụ không thiết yếu
UBND TP Hà Nội đã ban hành văn bản về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm "4 tại chỗ"; cho phép các quận, huyện, thị xã hạn chế hoặc dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu tùy theo cấp độ dịch.
Theo văn bản mới nhất của TP Hà Nội, căn cứ Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về "thích ứng an toàn với dịch", các quận, huyện, thị xã sẽ đánh giá cấp độ dịch tại địa phương trên quy mô xã, phường, thị trấn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung các biện pháp hành chính phù hợp đảm bảo công tác phòng, chống dịch theo từng cấp độ.
Cụ thể, việc điều chỉnh theo cấp độ dịch bao gồm việc hạn chế/dừng hoạt động các dịch vụ không thiết yếu trên địa bàn (như các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các hoạt động, sự kiện tập trung đông người...).
Theo đánh giá cấp độ dịch tính đến ngày 3/12, toàn thành phố vẫn ở cấp độ 2, tức màu vàng, nguy cơ trung bình. Trong đó có 7 quận, huyện ở cấp độ 1 (màu xanh, bình thường mới), giảm 12 địa phương so với lần công bố ngày 26/11. Các "vùng xanh" gồm: Ba Vì, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Phúc Thọ, Thạch Thất, Ứng Hoà và thị xã Sơn Tây; 23 quận, huyện còn lại ở cấp độ 2; 523 xã, phường cấp độ 1 (giảm 12 địa phương); 53 xã phường cấp độ 2 (tăng 11 địa phương); 3 xã, phường cấp độ 3, tức màu cam, nguy cơ cao (tăng 1 địa phương), gồm: phường Phố Huế (quận Hai Bà Trưng), phường Khâm Thiên (quận Đống Đa), phường Trung Phụng (quận Đống Đa).
Ngoài ra, các địa phương cần huy động nguồn lực tại địa phương, phối hợp với Sở Giao thông vận tải chủ động điều phối, vận chuyển F0 nhẹ và không triệu chứng, vận chuyển mẫu bệnh phẩm và các F1... trên địa bàn đến các cơ sở cách ly, thu dung, điều trị khi cần thiết.
Học sinh lớp 12 của Hà Nội trở lại trường, thực hiện nghiêm thông điệp 5K
Sau thời gian học trực tuyến tại nhà để phòng, chống dịch COVID-19, sáng 6/12, học sinh lớp 12 của các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc các địa bàn có dịch ở cấp độ 1 và 2 đã lại đến trường để học trực tiếp.
Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, tại các trường đủ tiêu chí có 50% số lớp 12 học trực tiếp vào các ngày thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; 50% số lớp còn lại học vào các ngày thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy. Trong các ngày còn lại thì học sinh sẽ học trực tuyến.
Sau thời gian nghỉ học, nhiều học sinh bày tỏ sự háo hức khi được đến trường học trực tiếp. Tại nhiều trường các học sinh thực hiện nghiêm túc quy định phòng, chống dịch của trường như đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang từ nhà đến trường, thậm chí đeo khẩu trang cả trong lớp học dù không bị bắt buộc.
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ ngày 6/12, học sinh ở địa bàn có mức độ dịch cấp độ 1, 2 sẽ học trực tiếp. Học sinh cư trú tại địa bàn có nguy cơ cao, mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 thì vẫn học trực tuyến. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo các nhà trường quan tâm đến việc tổ chức dạy học trực tiếp, đồng thời chú trọng đến chất lượng dạy học trực tuyến đối với các học sinh đang ở địa bàn phong tỏa, cách ly hoặc thuộc các trường hợp F0 đang điều trị… Sở yêu cầu hỗ trợ tốt nhất để các em duy trì tốt việc học tập và bảo đảm chất lượng khi trở lại trường.
Sau một tuần tổ chức cho học sinh lớp 12 học trực tiếp, cùng với việc đánh giá kết quả tổ chức học trực tiếp đối với học sinh lớp 9 của 18 huyện, thị xã trong thời gian vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội sẽ xem xét, tham mưu với UBND thành phố cho học sinh cấp trung học cơ sở trở lại trường theo lộ trình. Căn cứ vào tình hình thực tế mà có thể học sinh lớp 9, lớp 8 sẽ trở lại trường trước, sau đó đến học sinh lớp 7, lớp 6…