Tổng số ca mắc COVID-19 đến nay đã là 7.063
Ngày 19/9, Việt Nam ghi nhận 10.040 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 233 ca tử vong và 9.137 ca khỏi bệnh.
Như vậy, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.063 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.983 ca nhiễm).
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.617 ca, trong đó có 454.731 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế cả nước công bố ghi nhận 233 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 246 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.090 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).
Vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn và tính sinh miễn dịch
Trong tuần 13-19/9, sự kiện đáng quan tâm là Bộ Y tế thông tin về kết luận cuộc họp xem xét kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine Nano Covax của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia.
Theo đó, ngày 18/9, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 ứng viên vaccine Nano Covax với kết quả nghiên cứu tính đến ngày 2/9/2021. Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia thống nhất kết luận: Về tính an toàn, vaccine Nano Covax đạt yêu cầu về tính an toàn trong ngắn hạn dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại. Về tính sinh miễn dịch, vaccine Nano Covax có tính sinh miễn dịch dựa trên dữ liệu báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tính đến thời điểm hiện tại.
Về hiệu quả bảo vệ (kết quả quan trọng nhất về chất lượng), theo Hội đồng Đạo đức, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có dữ liệu để đánh giá trực tiếp hiệu lực bảo vệ của ứng viên vaccine Nano Covax dựa trên số trường hợp mắc COVID-19 trong nghiên cứu, cần tiếp tục thực hiện đánh giá về hiệu lực bảo vệ theo đề cương được phê duyệt.
Về đề xuất xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành cấp bách có điều kiện vaccine Nano Covax, Hội đồng Đạo đức thống nhất về việc sử dụng các kết quả nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tính đến thời điểm đánh giá kết quả giữa kỳ giai đoạn 3, gửi cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cấp giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc xem xét.
Hội đồng Đạo đức cũng đề nghị Công ty Cổ phần công nghệ sinh học Dược Nanogen và nhóm nghiên cứu hoàn thiện báo cáo theo kết luận của cuộc họp và tiếp tục triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vaccine Nano Covax theo đề cương đã được phê duyệt để hoàn tất nghiên cứu vào tháng 3/2022. Cập nhật kịp thời kết quả nghiên cứu cho các Hội đồng chuyên môn và cơ quan quản lý.
Hà Nội cho phép mở một số dịch vụ tại các quận huyện chưa ghi nhận ca nhiễm cộng đồng
Trong tuần 13-19/9, thông tin được nhiều người dân Hà Nội quan tâm là ngày 15/9, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 3084/UBND-KGVX về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn.
Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến ngày 14/9/2021, thành phố đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh. Trước diễn biến đó, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND TP Hà Nội; đồng thời đánh giá, phân loại các vùng theo mức độ nguy cơ và có biện pháp phù hợp với từng vùng để bảo vệ vững chắc vùng xanh”, “xanh hóa vùng vàng”, “thu hẹp vùng đỏ”; rà soát các khu vực phong tỏa để thu hẹp quy mô, đảm bảo thực hiện nghiêm, thực chất việc cách ly y tế trên địa bàn.
Từ 12 giờ ngày 16/9/2021, các địa bàn các quận, huyện, thị xã chưa ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng (từ thời điểm thực hiện Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của Chủ tịch UBND thành phố) được hoạt động một số cơ sở kinh doanh, cụ thể như sau: Cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu các cơ sở kinh doanh, dịch vụ hoạt động theo sự quản lý, giám sát, kiểm tra của chính quyền địa phương; thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc với nhân viên, thực hiện 5K; quét mã QR bắt buộc với khách đến mua hàng, thường xuyên vệ sinh, khử khuẩn tại cơ sở; hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
Chủ các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải cam kết và chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định.
TP Hồ Chí Minh đề xuất thí điểm 'Thẻ xanh COVID-19'
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản đề xuất UBND Thành phố về việc triển khai thí điểm áp dụng "Thẻ xanh COVID-19" trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Triển khai thí điểm "Thẻ xanh COVID-19" trong giai đoạn phục hồi kinh tế trên địa bàn Thành phố có tác động tích cực và khích lệ người dân đồng thuận tham gia tiêm chủng vaccine, góp phần nâng cao tỷ lệ tiêm trong thời gian qua. Do đó, kế hoạch này cần tiếp tục được hoàn thiện để triển khai thí điểm trong giai đoạn sắp tới.
"Thẻ xanh COVID-19" được xem là một hình thức công nhận cho người đã có miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại virus SARS-CoV-2 nhờ đã tiêm vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh và hoàn thành thời gian cách ly. Người có "Thẻ xanh COVID-19" sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh hoặc giảm nguy cơ chuyển nặng.
Về điều kiện được cấp thẻ xanh, Sở Y tế đề xuất chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine được 2 tuần hoặc F0 có giấy xác nhận đã hoàn thành cách ly do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch phường, xã thị trấn cấp. Tuy nhiên, người có "Thẻ xanh COVID-19" không đồng nghĩa với xác nhận sẽ không lây nhiễm virus cho người khác, do vậy phải tuân thủ 5K và làm xét nghiệm theo quy định.
Thành phố Hạ Long cho phép các bãi tắm hoạt động từ 12 giờ ngày 19/9
Từ 12 giờ ngày 19/9, TP Hạ Long (Quảng Ninh) cho phép mở lại một số hoạt động trên địa bàn toàn thành phố gồm: Các bãi tắm công cộng, các dịch vụ hoạt động thể thao như sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, các hoạt động vui Tết Trung thu…
Tính đến hết ngày 18/9, thành phố Hạ Long đã triển khai tiêm phòng vaccine COVID-19 cho 90% dân số từ 18 tuổi trở lên đủ điều kiện tiêm. Căn cứ vào tình hình, diễn biến dịch COVID-19 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đáp ứng nhu cầu của người dân, UBND Thành phố Hạ Long quyết định mở lại một số hoạt động trên địa bàn toàn thành phố gồm: Các bãi tắm công cộng, các dịch vụ hoạt động thể thao như sân bóng đá, phòng tập gym, fitness, yoga, các hoạt đông vui Tết trung thu… kể từ 12 giờ ngày 19/9.
Thành phố yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, quy định 5K trong quá trình tổ chức các hoạt động trên.
Hà Nội xuất hiện chùm ca mắc COVID-19 chưa rõ nguồn lây tại 'vùng xanh' Long Biên
Tuần 13-19/9, trong khi Hà Nội đang dần nới lỏng giãn cách xã hội, thì từ một ca sàng lọc ho, sốt ngoài cộng đồng, phường Việt Hưng, quận Long Biên, (Hà Nội) tiếp tục phát hiện thêm 5 F1 khác cũng dương tính với SARS-CoV-2. Tối 19/9, ông Đinh Quang Luận, Bí thư Đảng uỷ phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) cho biết: Tính đến thời điểm hiện tại, ổ dịch trên địa bàn phường đã ghi nhận 12 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 9 ca F0 là người trong cùng một gia đình.
Cụ thể: Trưa 18/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội ghi nhận 6 ca mắc COVID-19 tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Đây là chùm ca bệnh mới, chưa rõ nguồn lây.
Ca bệnh đầu tiên được phát hiện khởi phát ngoài cộng đồng là cụ bà A.T.K, 84 tuổi, trú tại ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng, có lịch sử dịch tễ thường xuyên ở nhà. Ngày 12/9, cụ sốt, ho, khó thở nhẹ, được người nhà tự mua thuốc điều trị, nhưng không đỡ.
Ngày 17/9, BN A.T.K khó thở, được chuyển vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang khám, test nhanh kháng nguyên và PCR đều dương tính với SARS-CoV-2.
Qua điều tra dịch tễ, lực lượng y tế địa phương xác nhận có 5 F1 là người thân của BN A.T.K, cùng ở Kim Quan, tổ 4, Việt Hưng, Long Biên. Ngày 18/9, cả 5 F1 này được lấy mẫu xét nghiệm, đều cho kết quả khẳng định dương tính. Đến 19/9, số ca mắc trên địa bàn đã tăng lên thành 12, trong đó 9 ca là của gia đình bệnh nhân A.T.K.
Ngay lập tức, phường Việt Hưng phong tỏa tạm thời ngõ 22 Kim Quan, phường Việt Hưng, với 58 hộ dân và 205 nhân khẩu. Đồng thời, ngành y tế đã xuyên đêm lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực. Trong sáng 18/9, quận Long Biên đã họp khẩn để tiếp tục triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh. Chiều 19/9, UBND phường Việt Hưng tiếp tục tổ chức lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho toàn bộ cư dân thuộc 3 tổ dân phố số 4, số 5 và số 7. Công tác xét nghiệm được tổ chức xuyên đêm 19/9 để thần tốc truy vết. Tổng số mẫu lấy được là 5.035 mẫu, dự kiến chiều 20/9 sẽ có kết quả.