Xu hướng gia tăng ca nhiễm mới
Trong tuần từ 25-31/10, số ca nhiễm mới COVID-19 có xu hướng tăng trở lại, cả trên quy mô toàn quốc và các địa phương. Riêng ngày 31/10, Việt Nam ghi nhận 5.519 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, tăng so với ngày trước đó. Các tỉnh An Giang, Bình Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu có số ca mắc tăng cao nhất trong ngày.
Trong số các ca nhiễm mới có 15 ca nhập cảnh và 5.519 ca ghi nhận trong nước (tăng 280 ca so với ngày trước đó) tại 46 tỉnh, thành phố (có 2.327 ca trong cộng đồng).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: An Giang (tăng 111 ca), Bình Thuận (tăng 51 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (tăng 39 ca).
Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 4.589 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 921.122 ca nhiễm. Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 916.286 ca, trong đó có 817.517 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.Tổng số ca được điều trị khỏi là 820.334 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 2.840 ca.Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 22.083 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.
Trong tuần qua, hàng ngày, Hà Nội cũng gia tăng số ca nhiễm mới. Riêng ngày 31/10, Hà Nội ghi nhận 49 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, trong đó có 12 ca cộng đồng, 29 ca trong khu cách ly, 8 ca trong khu phong tỏa. Nhiều chùm ca bệnh tiếp tục phát hiện các ca lây nhiễm mới.
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.402 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.691 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.711 ca.
Xúc tiến việc tiêm vaccine cho đối tượng từ 12-17 tuổi
Tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch với 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, chiều 26/10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết việc tiêm vaccine cho trẻ dự kiến tiến hành từ đầu tháng 11/2021; trong đó ưu tiên tiêm vaccine cho trẻ em nghỉ học do giãn cách dài ngày.
Theo đó, trẻ 16-17 tuổi sẽ được tiêm trước để đánh giá rút kinh nghiệm và phổ biến cho các tỉnh, thành phố; sau đó hạ dần độ tuổi tiêm của trẻ; ưu tiên cho trẻ em phải nghỉ học dài này ở những nơi đã giãn cách bắt buộc thời gian vừa qua. "Vaccine tiêm cho trẻ em tại Việt Nam là Pfizer - đã được Bộ Y tế phê duyệt. Tổ chức chiến dịch tiêm tương tự như đã làm trong thời gian qua. Cụ thể, tiêm lưu động, tiêm tại trạm y tế xã, tiêm tại trường", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, sau lứa tuổi 16 sẽ tiêm cho trẻ 15 tuổi. Bộ Y tế sẽ tập huấn cho nhân viên y tế trong những ngày tới; đồng thời lưu ý việc tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động và trường học. Việc tổ chức tiêm thực hiện theo quy định.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ tháng 11/2021, chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em sẽ được tổ chức trên địa bàn toàn quốc với loại vaccine Comirnaty do Pfizer-BioNTech của Hoa Kỳ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tiêm chủng cho trẻ em và đã được nhiều nước sử dụng. Đây là vaccine đảm bảo an toàn cho trẻ em. Bộ Y tế đã giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tổ chức tập huấn chuyên môn cho tất cả các tỉnh, thành phố về tiêm chủng cho trẻ em trong ngày 29/10/2021, giao cho các đơn vị hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho các địa phương trong việc tổ chức triển khai tiêm chủng.
Trong tuần qua, TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu trong công tác tiêm vaccine cho trẻ em. Thông tin về việc triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, được sự đồng ý của Bộ Y tế, hướng dẫn của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Thành phố đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi.
Theo đó, trong ngày 27/10, TP Hồ Chí Minh đã khởi động tiêm cho trẻ tại huyện Củ Chi với 10 bàn tiêm và 4 bàn tiêm tại Quận 1. Trong ngày 28/10, đã có 21 quận, huyện và thành phố Thủ Đức tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ. Riêng quận Gò Vấp triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ ngày 29/10.
Theo thống kê, trong hai ngày tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ, toàn thành phố đã có 39.756 trẻ được tiêm vaccine; 167 trường hợp hoãn tiêm, chống chỉ định 1 trường hợp và 44 trẻ được chuyển vào các bệnh viện để tiêm.
"Các điểm tiêm được tổ chức an toàn y tế và phòng chống dịch. Thành phố cũng chưa ghi nhận trường hợp phản ứng phụ nặng sau tiêm, chỉ có một số trường hợp có phản ứng phụ ở mức nhẹ và đã được xử trí kịp thời", bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, theo Kế hoạch 3522 của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh, việc tiêm cho trẻ được thực hiện theo lộ trình giảm dần theo lứa tuổi, bắt đầu từ 16 - 17 tuổi, sau đó giảm dần cho đến khi tiêm hết số trẻ trong độ tuổi trên địa bàn. Loại vaccine được sử dụng là Comirnaty do Pfizer-BioNtech của Mỹ sản xuất. Theo số liệu thống kê của ngành giáo dục, có 780.000 trẻ sẽ được tiêm vaccine phòng COVID-19.
“Từ số liệu trên, Thành phố dự kiến về số lượng trẻ trong độ tuổi được tiêm vaccine, Sở Y tế đã dự trù đủ số lượng vaccine để tiêm cho trẻ. Dự kiến thời gian tiêm mũi 1 sẽ diễn ra trong vòng 5 -7 ngày, sau đó có 7 ngày tiêm mũi 2”, Chánh văn phòng Sở Y tế TP Hồ Chí Minh nói.
Quảng Ninh cũng là địa phương phía Bắc sớm tiêm vaccine cho trẻ. Trong hai ngày 30-31/10, Quảng Ninh bắt đầu triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi. Việc tiêm chủng lần này được triển khai trên diện rộng, tiêm đồng loạt tại tất cả các địa phương theo khu vực trên địa bàn. Đây là động thái tích cực nhằm thực hiện mục tiêu trong tháng 10-11/2021 là toàn tỉnh hoàn thành tiêm mũi 2 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và tổ chức tiêm chủng cho nhóm đối tượng trẻ em đảm bảo bao phủ miễn dịch cộng đồng cho tất cả nhóm đối tượng, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" và giữ vững "vùng xanh" an toàn. Cụ thể, dự kiến, trên 95% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trên địa bàn đủ điều kiện được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19.
Còn tại Bình Dương, trong ngày 31/10, tỉnh Bình Dương bắt đầu chiến dịch triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng, sớm cho học sinh trở lại trường học.
Được biết, qua rà soát, toàn tỉnh Bình Dương hiện có khoảng 180.000 trẻ từ 12-17 tuổi nằm trong diện sẽ tiêm vaccine, với 360.000 liều vaccine Pfizer được Bộ Y tế phê duyệt cấp. Tuy nhiên, theo Sở Y tế Bình Dương, trong đợt đầu, tỉnh chỉ tổ chức tiêm vaccine cho trẻ từ 15-17 tuổi trong các trường công lập và ngoài công lập, cơ sở bảo trợ xã hội. Sau đó sẽ hạ dần độ tuổi để tiêm đầy đủ cho trẻ em từ 12-17 tuổi.
Trong khi đó, tại Đà Nẵng, ngày 31/10, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng ban hành Công văn 3243/SGDĐT-CTrTT về việc tiêm vaccine cho học sinh, học viên Trung học phổ thông.
Theo đó, để triển khai kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, học viên đang học lớp 10, 11, 12 tại các trường, trung tâm giáo dục đạt hiệu quả, an toàn, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường, trung tâm thông tin về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và phụ huynh hay người giám hộ của học sinh. Với mục đích tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân về công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”, “Vaccine phòng bệnh tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”.
Cùng với đó, các đơn vị trường học kịp thời gửi đến phụ huynh về nội dung Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 và Bảng kiểm trước tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 đối với trẻ em để phụ huynh nghiên cứu và thông tin đến bộ phận khám sàng lọc tại điểm tiêm về tình hình sức khỏe của con, em mình. Nhà trường có trách nhiệm gửi Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vaccine COVID-19 đến phụ huynh và hướng dẫn phụ huynh nghiên cứu, ký xác nhận trước khi đưa học sinh đến điểm tiêm chủng.
Trước đó, Sở Y tế thành phố đã ban hành kế hoạch 5252/KH-SYT về việc triển khai tiêm vaccine Pfizer tại thành phố Đà Nẵng. Theo đó, số liều vaccine được tiêm là 45.942 liều tương đương 45.942 người.
Đối tượng tiêm là học sinh (bao gồm người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài) đang theo học lớp 10, 11, 12 tại các trường, trung tâm trực thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo; trẻ trong độ tuổi từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi.