Canh tác nông hộ được đặt là một trong
các chủ đề trọng tâm được chú ý thảo luận nhân Ngày Lương thực Thế giới 2014.
Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) đã khẳng định người nông
dân đóng vai trò trọng tâm trong nỗ lực giải quyết đói nghèo và suy dinh dưỡng
toàn cầu.
Theo FAO, canh tác nông hộ bao gồm tất
cả các hoạt động nông nghiệp dựa vào gia đình. Hoạt động nông trang gia đình là
cách thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, chăn nuôi và nuôi
trồng thủy sản do gia đình quản lý và vận hành và chủ yếu dựa vào sức lao động
của các thành viên trong gia đình. Ngoài ra, theo báo cáo của FAO dựa trên số
liệu của 93 quốc gia, nông hộ đang sở hữu tới 80% ruộng đất và là lực lượng sản
xuất chính lượng lương thực tiêu thụ nội địa.
Ông Amy MsMillen, Điều phối viên về
Đối tác và Tiếp cận của FAO nhận định: “Thế
giới không thể làm gì nếu không có các hộ gia đình nông dân. Nhờ họ mà chúng ta
có thực phẩm bổ dưỡng để tiêu dùng mỗi ngày. Thế nhưng phần lớn những người
nghèo và thiếu ăn trên thế giới cũng chính là những nông hộ đó. Chúng ta cần phải
nỗ lực nhiều hơn nữa để khích lệ, hỗ trợ và nhanh chóng cải thiện đời sống của các
nông gia này để đảm bảo tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với thực phẩm
tươi, sạch và có lợi cho sức khỏe”.
Hoạt động làm trang trại gia đình ở
Bắc Mỹ diễn ra rất năng động. Humanitas Global đã phối hợp với FAO và tổ chức Food
Tank thực hiện một cuộc khảo sát với gần 75 hộ nông dân ở Bắc Mỹ. Kết quả khảo sát
này được công bố tại Đối thoại Borlaug
ở Des Moines, Iowa vào ngày 16 tháng 10 năm 2014, trong khuôn khổ Lễ Trao giải
Lương thực Thế giới. Kết quả này cho thấy thực trạng của những người trụ lại
trang trại, những người lựa chọn rời bỏ cánh đồng canh tác hoặc những người làm
trang trại lần đầu tiên. Thông điệp xuyên suốt từ các kết quả này đó là mặc dù
có nhiều thay đổi song những hộ nông dân ở Bắc Mỹ vẫn rất mong muốn theo đuổi
nghề làm trang trại gia đình.
Ông Nabeeha M.Kazi, Chủ tịch kiêm CEO
của Humanitas Global, đồng thời là Chủ tịch tổ chức Community for Zero Hunger (Cộng
đồng Không Nghèo đói) cho biết: “Kết quả
khảo sát và những trao đổi với người nông dân cho thấy họ mong muốn gắn bó với
nghề nông trang, song cũng bị giằng xé giữa tình yêu đất đai và nỗ lực mưu sinh.
Nhiều người không còn làm trang trại gia đình nữa, song vẫn đóng vai trò quan
trọng trong việc nuôi sống cộng đồng và thế giới”.
79% số người được khảo sát đã bỏ nghề
nông cho biết công việc hiện tại của họ vẫn liên quan đến nông nghiệp. Ngoài
ra, phần lớn số người đã rời bỏ nghề nông vẫn có dự định sẽ quay lại công việc này.
“Chúng
ta không muốn số nông hộ giảm đi, chúng ta cần có chính sách, chương trình và
nguồn lực để giúp cho hộ nông dân trụ lại trang trại nếu họ muốn và phát huy
được tiềm năng của mình.”, ông Kazi nói. “Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không nhắc đến những người đã rời bỏ
cánh đồng canh tác. Họ có tiếng nói mạnh mẽ và uy tín, giúp chúng ta thúc đẩy
và bảo vệ trang trại gia đình. Cần huy động sự hỗ trợ của họ để góp phần xây
dựng chính sách, chương trình và nhân rộng hơn nữa những câu chuyện về hộ gia
đình làm nghiệp”.
Ngày nay, thách thức lớn nhất đối với
nông hộ đó là chi phí đất đai, chi phí nhân công, các quy định và chính sách
của nhà nước, biến đổi khí hậu, tính rủi ro cố hữu của sản xuất nông nghiệp
cũng như lợi nhuận thấp so với công sức bỏ ra.
“Kết
quả khảo sát cho thấy nếu chỉ trông chờ vào nghề nông thì nông gia không thể
trang trải nổi các chi phí sản xuất và sinh hoạt khác.”, ông Kazi nói. “Khoảng 67% người được hỏi cho biết ngoài thu
nhập từ trang trại, họ có nguồn thu nhập khác từ các thành thành viên trong gia
đình hoặc việc làm thêm”.
Về mặt tích cực, được gần gũi với đất
đai và cây trồng vật nuôi, sự độc lập và làm việc ngoài trời đều là những điểm
hấp dẫn lớn nhất của nghề nông. Tất cả những người lớn lên và ở lại làm việc
trên các trang trại, những người đã rời bỏ trang trại để đi làm nghề khác và
những hộ nông dân mới đều hướng đến đất đai và đều cho rằng được chăm sóc đất
đai và nhìn thấy cây trồng, vật nuôi lớn lên là một trong những điều thú vị
nhất trong cuộc đời làm nông của mình.
Ông Danielle Neirenberg, Chủ tịch của
Food Tank cho biết: “Hộ gia đình nông dân
đang phải đối mặt với nhiều thách thức kinh tế và hơn thế nữa. Ngoài công cụ và
nguồn lực sản xuất, hộ nông dân còn phải lo toan đến những vấn đề khác như tất
cả người Mỹ khác - như chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình và giáo dục đại học
cho con em. Tuy vậy, có rất nhiều người hiện vẫn còn bám đồng ruộng hoặc chí ít
cam kết trở lại với nghề nông vì đây vẫn là nghề đem lại sự mãn nguyện, thú vị
và đầy thử thách – chính điều này đã tạo nên giá trị cho những người nông dân”.
Ông Neirenberg cho rằng khát khao quay
trở lại nghề nông trang là rất lớn. Bà cho biết nhiều người tham gia khảo sát vốn
đã rời bỏ trang trại gia đình thổ lộ rằng họ sẽ sẵn sàng trở về trang trại ngay
khi có điều kiện. Nhiều người còn khẳng định nếu không có ai trông nom trang trại
của gia đình thì họ sẽ trở về tiếp quản chứ không chịu mất trang trại.
Có thể thấy, những thách thức mà hộ nông
dân đang phải đối mặt ở Mỹ và toàn Bắc Mỹ cũng cho thấy thách thức mang tính
toàn cầu. Biến đổi khí hậu, lợi nhuận thấp và cơ hội tốt hơn trong những ngành
ngoài nông nghiệp đang là thách thức lớn nhất trên toàn cầu và đang đe dọa đến
nghề nông.
D.V