Chiều 21/10, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh đã tổ chức họp báo thông tin một số vấn đề nổi bật trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Nhiều vấn đề đang được người dân quan tâm như vì sao chậm chi trả trợ cấp đợt 3, khi nào chợ truyền thống được mở lại, tiến độ chăm lo an sinh cho người dân ra sao... đã được đại diện các sở, ngành trả lời cụ thể, rõ ràng.
Chậm chi hỗ trợ do người dân về quê
Thông tin về việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện đã có 5,5 triệu người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã nhận hỗ trợ; trong đó, 17 quận, huyện có tỉ lệ chi trả trên 80% và còn một vài quận, huyện có tiến độ chi trả chậm.
"Nguyên nhân là do lúc mới triển khai, phần mềm phục vụ việc chi trả hỗ trợ bị chậm, sau đó Công ty phần mềm Quang Trung đã tháo gỡ. Hiện nay, vẫn còn một số quận, huyện chi trả chậm do địa bàn đông dân cư, nguồn kinh phí chuyển về địa phương chưa kịp thời. Tuy nhiên, các địa phương cam kết sẽ hoàn thành việc chi trả đúng tiến độ UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo", ông Nguyễn Văn Lâm nói.
Đối với vấn đề trình tự, thủ tục nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, ông Nguyễn Văn Lâm cho biết, đã được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 103 và Thông tư 23 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. Theo ông Nguyễn Văn Lâm, công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn ra thuận lợi, không gặp khó khăn.
Thành phố hiện đang có 8/16 cơ sở bảo trợ xã hội có chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em và ngoài cộng đồng; 2.9 em đang được nuôi dưỡng tại 56 cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập, 35 mái ấm, nhà mở. Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn một số vấn đề nghiệp vụ về chăm sóc, bảo vệ trẻ em tại các nơi này.
Liên quan đến công tác tri ân các lực lượng tuyến đầu chống dịch, ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, để cảm ơn lực lượng hỗ trợ TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch vừa qua, Thành phố đã tổ chức tri ân, tuyên dương, khen thưởng hơn 30.000 người. TP Hồ Chí Minh chia làm 2 đợt tri ân và đã tổ chức đợt 1; những trường hợp còn lại, Ban thi đua khen thưởng của TP Hồ Chí Minh đang tổng hợp, tiếp tục trình UBND TP Hồ Chí Minh để khen thưởng.
“Về hình thức khen thưởng, tùy theo các đơn vị, có thể là giấy khen, thư khen, bằng khen, thậm chí TP Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ khen thưởng để có thể tri ân kịp thời đối với những đóng góp của các lực lượng trong công tác chống dịch tại thành phố trong những tháng qua”, ông Phạm Đức Hải nói.
Đề xuất mở lại dịch vụ ăn uống tại chỗ
Trao đổi về Bộ tiêu chí an toàn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế về những tiêu chí đánh giá mức độ an toàn của dịch bệnh trong tình hình mới, ngày 15/10/2021, UBND TP Hồ Chí Minh ban hành Quyết định 3589/QĐ-BCĐ về Bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thương mại trên địa bàn.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3328/QĐ-BCĐ ngày 15/9/2021. Các doanh nghiệp, tổ chức căn cứ Bộ tiêu chí tại Quyết định 3589 để xem xét, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trong hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đơn vị.
"Riêng loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh và UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Y tế đánh giá thực tế và xem xét có ý kiến về đề xuất này", ông Lê Huỳnh Minh Tú nói.
Về cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, tổng lượng hàng cung ứng về TP Hồ Chí Minh ngày 20 và sáng 21/10 ước đạt 5.900 tấn, tăng 2% so với ngày trước đó. Hiện nay, lượng hàng cung ứng tại các điểm trung chuyển ở 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày (nếu trước đây lượng hàng mỗi ngày chỉ khoảng 1.000 tấn thì nay đã tăng gấp đôi). Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh hiện có 96/234 chợ truyền thống được hoạt động lại; có 4 quận, huyện chưa mở lại chợ nào do qua đánh giá chưa đảm bảo điều kiện an toàn. Dự kiến đến ngày 25/10, sẽ có thêm 16 chợ truyền thống nữa được mở lại.
Tại họp báo, ông Mai Bá Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hoá Thể thao TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, ngày 15/10, UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành 4 quyết định (3580, 3581, 3582 và 3583) liên quan tới lĩnh vực văn hoá, thể thao. Nội dung các quyết định đề cập đến bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với hoạt động lễ hội, sự kiện, văn hoá, thể thao; việc tổ chức, tập luyện của các đơn vị hoạt động thể dục, thể thao; hoạt động về thư viện, phòng đọc sách, nghệ thuật biểu diễn, địa điểm triển lãm, nhiếp ảnh, bảo tàng, di tích; hoạt động các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường, khiêu vũ…
"Các bộ tiêu chí này đều tập trung vào 10 tiêu chí (6 bắt buộc và 4 bổ sung). Trong 6 tiêu chí bắt buộc, chủ yếu thực hiện khai báo qua mã QR đối với người tham gia, người tổ chức tập luyện; thực hiện 5K, đo thân nhiệt, tuân thủ quy mô, khoảng cách tại các cơ sở... Trong đó, các tiêu chí bổ sung tập trung vào bố trí lối ra vào, tuyên truyền, thành lập Tổ COVID-19… Nhìn chung, các bộ tiêu chí đều tuân thủ theo nguyên tắc của UBND TP Hồ Chí Minh quy định là phải đảm bảo "an toàn đến đâu mở đến đó" và "an toàn mới mở cửa", ông Mai Bá Hùng nói.