UBND TP Hồ Chí Minh cho biết có 5 nhóm các đối tượng chăm lo: Nhóm 1, những người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên sống đơn thân, neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm 2, những người trong độ tuổi lao động đủ từ 16 đến dưới 60 tuổi thuộc hộ nghèo, chưa được hưởng trợ cấp BHXH hoặc trợ cấp xã hội hàng tháng; người bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bị bệnh hiểm nghèo. Nhóm 3, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ và bị người còn lại bỏ rơi, sống với ông, bà hoặc người nuôi dưỡng nhưng ông bà hoặc người nuôi dưỡng đều đã tử vong. Nhóm 4, trẻ mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ nghèo. Nhóm 5, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ, người còn lại có mức thu nhập bằng hộ cận nghèo.
Các mức hỗ trợ đối với mỗi nhóm như sau: nhóm 1, 2 và 5 là 480.000 đồng/người; nhóm 3 trẻ dưới 4 tuổi mồ côi là 1,2 triệu đồng/người, trẻ từ 4 tuổi trở lên là 720.000 đồng/người; nhóm 4 là 720.000 đồng/người. Ngoài ra, các đối tượng thuộc nhóm 1, 3, 4 và 5 được hỗ trợ cấp miễn phí thẻ bảo hiểm y tế; đối tượng thuộc nhóm 3, 4 và 5 được hỗ trợ học phí bằng mức học tương đương các cấp đang quy định.
Ngoài ra, theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, trong đợt dịch thứ 4 vừa qua, TP Hồ Chí Minh đã tích cực chăm lo cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19. Tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa để chăm lo cho nhóm trẻ này, kể cả trẻ sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội, các quận, huyện đông dân nhập cư là trên 17,5 tỉ đồng. Trung bình, mỗi em nhận được hỗ trợ từ 5-6 triệu đồng một lần hỗ trợ; riêng các em mồi côi cha hoặc mẹ hay cả cha lẫn mẹ sẽ nhận được hỗ trợ 8-9 triệu đồng. Ngoài ra, Thành phố còn hỗ trợ dụng cụ học tập, các gói an sinh thực phẩm. Nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn cũng cam kết đỡ đầu cho các em đến 18 tuổi.