Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố xảy ra một số vụ ngộ độc rượu do sử dụng rượu có chứa methanol, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực TP Hồ Chí Minh, đơn vị sẽ tăng cường triển khai công tác kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cở sản xuất kinh, doanh rượu bia và các đồ uống có cồn để nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia, đồ uống có cồn kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo an toàn thực phẩm; qua đó hạn chế tối đa các vụ ngộ độc liên quan đến rượu bia, đồ uống có cồn.
Kế hoạch này sẽ được triển khai từ ngày 15/8 đến hết năm 2022. Theo đó, đoàn kiểm tra sẽ tập trung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ các sản phẩm rượu, bia, đồ uống có cồn, nguyên liệu để sản xuất, chế biến rượu, bia, đồ uống có cồn.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đoàn thực hiện lấy mẫu rượu, bia, đồ uống có cồn, gửi mẫu kiểm nghiệm thực phẩm tại các cơ sở kiểm nghiệm được chỉ định. Thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với những cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh rượu, bia, đồ uống có cồn không đảm bảo an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm khi có vi phạm.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các quận, huyện và thành phố Thủ Đức tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng rượu hoặc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân nâng cao ý thức trách nhiệm, bảo đảm an toàn thực phẩm trong việc sản xuất, kinh doanh, sử dụng thực phẩm; tuyệt đối không sử dụng các loại rượu không có nhãn mác, xuất xứ rõ ràng.
Tổ chức thanh tra, kiểm tra điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất rượu, đặc biệt là cơ sở sản xuất theo hình thức thủ công, các cơ sở kinh doanh rượu (cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh rượu, tiệm tạp hóa, các chợ...), xử lý nghiêm đối với các trường hợp sản xuất và kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn thực phẩm.