Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã có văn bản gửi đến các đơn vị về việc tăng cường giám sát, phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ.
Theo đó, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố củng cố hệ thống giám sát tại các cửa khẩu của Thành phố để phát hiện sớm người nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ như giám sát qua máy đo thân nhiệt từ xa và quan sát tìm triệu chứng ở người nhập cảnh, đặc biệt là người đến từ các quốc gia có bệnh đang lưu hành.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh có kịch bản xử lý khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu hiệu nghi ngờ; đồng thời tăng cường truyền thông về tình hình dịch bệnh đậu mùa khỉ, đường lây truyền, các biện pháp phòng bệnh...
Các Trung tâm y tế quận, huyện và thành phố Thủ Đức chỉ đạo các trạm y tế tiếp nhận trường hợp khai báo có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ và hướng dẫn đến các cơ sở y tế để khám và được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Còn đối với các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị này phải sàng lọc và phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ, báo cáo ngay về Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố để được kịp thời xử lý.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong đợt bùng phát dịch bệnh đậu mùa khỉ gần đây, từ ca bệnh đầu tiên phát hiện tại Anh ngày 13/5 tính đến ngày 25/5, thế giới đã ghi nhận trên 158 trường hợp mắc bệnh, 117 trường hợp nghi ngờ tại 19 quốc gia và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.
Các ca bệnh được phát hiện đều không có tiền sử đi về từ vùng có dịch và các quốc gia ghi nhận ca bệnh chưa từng lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ trước đây. Các trường hợp mắc bệnh được xác định là bị nhiễm virus đậu mùa khỉ nhánh Tây Phi và có đặc điểm giống virus đậu mùa khỉ lây truyền từ Nigeria sang một số quốc gia năm 2018, 2019. WHO dự báo dịch bệnh đậu mùa khỉ sẽ còn tiếp tục gia tăng số trường hợp mắc trong thời gian tới.