Đây là nhận định chung của các đại biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Quyết định số 812/QĐ-UBND ngày 10/3/2023 của Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh về quy định cơ chế phối hợp thực hiện công tác tập trung trẻ em, người lang thang xin ăn và đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố tổ chức ngày 6/10.
Đại diện các sở, ngành TP Hồ Chí Minh và quận huyện, thành phố Thủ Đức nhìn nhận, tình trạng người xin ăn giả dạng (bệnh, bán vé số, bán kẹo cao su...), lợi dụng trẻ em để xin ăn, giả dạng thầy tu đi khất thực, một số người khuyết tật, người cao tuổi bán tăm bông... dẫn đến khó khăn cho địa phương trong phối hợp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Từ thực tiễn này, ông Phạm Hoài Vũ, Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Thủ Đức kiến nghị, Thành phố cần có giải pháp giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn. Cần đơn giản thủ tục hồ sơ và trình tự thủ tục tiếp nhận đối tượng, nhất là lập hồ sơ và giao đối tượng ngoài giờ hành chính. Các Trung tâm bảo trợ xã hội cần xây dựng quy trình hồ sơ bảo lãnh công khai, tránh trường hợp sáng phường giao đối tượng, chiều Trung tâm cho bảo lãnh về rồi đối tượng tiếp tục hoạt động tại địa phương khác…
Khó khăn tại các Trung tâm bảo trợ xã hội cũng được ông Huỳnh Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm điều dưỡng người bệnh tâm thần TP Hồ Chí Minh nêu rõ, đối tượng nhập vào Trung tâm được thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng trong thời gian 90 ngày. Nếu không giải quyết tái hòa nhập cộng đồng thì lập hồ sơ chuyển qua đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Trách nhiệm xác định mức độ khuyết tật, hoàn tất thủ tục để đưa vào nuôi dưỡng tại Trung tâm hiện nay giao cho phường Tam Phú (thành phố Thủ Đức), quy định này chưa thật sự phù hợp với thực tế. Đặc biệt, sau thời gian quản lý đối tượng tại Trung tâm 90 ngày nếu không giải quyết tái hòa nhập cộng được thì thực hiện các bước để chuyển qua đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trách nhiệm này thuộc về địa phương nơi tập trung đối tượng ban đầu.
Nếu địa phương không thực hiện thủ tục hồ sơ để chuyển qua đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn theo quy định Trung tâm có thể trả đối tượng về địa phương để địa phương giao lại cho gia đình tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng- ông Huỳnh Thanh Tâm chia sẻ.
Tại Hội nghị, ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa xã hội Hội đồng nhân dân TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, công tác tập trung người lang thang, xin ăn, không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn Thành phố luôn được Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Bước đầu, Thành phố cơ bản giải quyết tốt.
Để làm tốt hơn nữa công tác này, ông Cao Thanh Bình đề nghị, sở, ngành và các địa phương nghiên cứu kỹ kết quả thực hiện vừa qua; chú trọng công tác phát hiện, báo tin; phân loại các đối tượng. Đặc biệt, cần chú trọng công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan liên quan … Các sở, ngành cần phối hợp với cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát xét xử công khai đối tượng chăn dắt; tăng cường tuyên truyền để giáo dục, răn đe.
Tại Hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị: Để giải quyết tình trạng trẻ em, người lang thang, xin ăn góp phần đảm bảo an ninh trật tự đô thị và mỹ quan của thành phố, các cơ quan liên quan chú trọng cơ chế phối hợp; huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị, người dân thành phố trong việc phát hiện, báo tin để giải quyết từng trường hợp. Đồng thời tăng cường nhóm giải pháp hiệu quả; công tác quản lý, hỗ trợ học văn hóa, học nghề cho đối tượng được chăm sóc nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội; cơ chế kiểm tra, giám sát và tuyên truyền...