Đối với những vị trí nguy hiểm, những điểm đen tai nạn giao thông cần thiết phải giảm tốc độ thì lắp đặt bổ sung biển báo số 245 “đi chậm”, riêng nhánh cầu A của cầu vượt Cái Lái, quận 2 vẫn giữ biển báo tốc độ tối đa cho phép chạy 30km/giờ để đảm bảo an toàn giao thông, tránh lật xe.
Đối với những tuyến có dải phân cách giữa đường dành cho xe ô tô và phần đường dành cho xe hỗn hợp như Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, Trường Chinh, Điện Biên Phủ… Sở Giao thông Vận tải đề nghị các đơn vị quản lý điều chỉnh tốc độ tối đa cho phép trên phần đường hỗn hợp lên 50km/giờ.
Sở Giao thông Vận tải cũng đề nghị lắp đặt biển báo 50km/h đối với Quốc lộ 1, đoạn từ vòng xoay An Lạc đến giáp ranh tỉnh Long An, Quốc lộ 50, đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến giáp ranh tỉnh Long An. Đối với Quốc lộ 22, đoạn từ đường Nguyễn Văn Hoài đến giáp ranh tỉnh Tây Ninh, lắp đặt biển báo 60km/h làn đường dành cho xe ô tô, lắp đặt biển báo 50km/h cho làn đường dành cho xe hỗn hợp.
Liên quan đến vấn đề tháo dỡ biển báo tốc độ dưới 50km/h, trao đổi với phóng viên bà Nguyễn Thị Hoài Phương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam, cho biết, từ ngày 23/1 sẽ gỡ biển báo tốc độ 40 km/giờ tại vị trí đầu đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nằm phía quận 2 và gắn biển báo đi chậm.
Theo bà Nguyễn Thị Hoài Phương, đây là vị trí nằm ngay khu vực nút giao gần Km0+500, giao hỗn hợp nên việc quy định tốc độ 40 km/giờ sẽ hạn chế được tai nạn giao thông. Từ km0+500 đến Km4 tốc độ tối đa là 80km/giờ vì đây là đoạn trong đô thị; còn từ nút giao Vành đai II đến hết tuyến tốc độ theo thiết kế là 60km/giờ 120km/giờ.
Tuy nhiên theo phản ánh của một số tài xế thường lưu thông trên tuyến đường này, ngay đoạn đầu vào đường cao tốc từ nút giao An Phú (quận 2) gắn biển báo tốc độ 40km/giờ đã gây tâm lý ức chế cho tài xế vì đây là đoạn đường cao tốc.