Ngày 18/6, Trung tâm dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TP Hồ Chí Minh (Falmi) cho biết, theo khảo sát nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, 6 tháng cuối năm 2014 thành phố cần khoảng 150.000 lao động. Trong đó, quý III cần khoảng 55.000 lao động và quý IV cần khoảng 95.000 lao động….
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Falmi cho biết: Xu hướng dịch chuyển lao động cuối năm sẽ không cao, người lao động đa phần muốn ổn định làm việc. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục hoàn thiện bộ máy nhân sự để hoàn thiện kế hoạch sản xuất kinh doanh và chăm lo tốt tiền lương – phúc lợi cho người lao động năm 2014 đồng thời chuẩn bị phát triển sản xuất – kinh doanh năm 2015.
Thị trường lao động TP.HCM ổn định khiến người lao động có nhiều cơ hội tìm việc làm ổn định hơn. |
Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm thị trường lao động thành phố cũng phát triển khá ổn định. Nhu cầu nhân lực nổi bật xu hướng chú trọng lao động chất lượng cao, tình trạng nhảy việc, dịch chuyển lao động giảm, đặc biệt giảm đối với lao động chưa qua đào tạo, mức bình quân biến động dịch chuyển lao động dưới 10% thấp hơn so 6 tháng đầu năm 2013 (15%). Nhu cầu tìm việc của người lao động có xu hướng gia tăng ở lao động có trình độ đại học và có kinh nghiệm.
Ngoài ra, theo số liệu khảo sát tại 23 trường THPT trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2014 cho thấy, có 80% học sinh tại các trường THPT trên địa bàn có thể đưa ra lựa chọn ngành nghề muốn học, 20% học sinh không định hướng được ngành nghề theo học. Tỷ lệ trên cho thấy hầu hết các em học sinh đã có những định hường nghề nghiệp từ gia đình, người thân, thầy cô và từ sở thích của mình đề có được sự lựa chọn ngành nghề mình muốn theo học.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn cũng cho rằng: Thực trạng thị trường lao động thành phố luôn diễn biến tình trạng mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề và trình độ nghề chuyên môn. Vì vậy, trong thời gian tới chúng ta cần tiếp tục duy trì hiệu quả công tác thống kê cập nhật tình trạng lao động thất nghiệp, mất việc làm, di chuyển chỗ làm việc trên địa bàn thành phố và các quận, huyện.
Theo ông Tuấn, cũng cần hoàn thiện và phát triển mô hình tổ chức hiệu quả công tác hướng nghiệp cho người sắp bước vào độ tuổi lao động về định hướng chọn nghề, học nghề, việc làm phù hợp điều kiện phát triển thị trường lao động thành phố và hội nhập. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách hỗ trợ, thúc đẩy các hình thức tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phân công lại lực lượng lao động.
Tin, ảnh: Hoàng Tuyết