Trạm cấp cứu TNGT trên các tuyến quốc lộ: Vừa thiếu, vừa yếu

Hệ thống trạm cấp cứu tai nạn giao thông (TNGT) trên các tuyến quốc lộ (QL) trong toàn quốc đang thưa thớt về số lượng và yếu về chất lượng, hiện không đáp ứng nhu cầu thực tế. Theo các chuyên gia, việc sơ cấp cứu nạn nhân TNGT trong 15 phút sau khi xảy ra tai nạn là “thời gian kim cương”, trong 30 phút đầu là “thời gian vàng”. Cấp cứu sớm và đúng cách thì khả năng sống sót, phục hồi càng cao, chi phí điều trị càng giảm. Từ thực tế này ngành Giao thông Vận tải (GTVT) và các ngành hữu quan cần quan tâm đúng mức, để giảm thiểu thiệt hại cho người tham gia giao thông.

Bất cập!

Theo số liệu của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia, số vụ TNGT đường bộ từ đầu năm đến nay, mỗi ngày đã cướp đi sinh mạng hơn 30 người, làm bị thương gần 100 người. Song, vấn đề cấp cứu TNGT hiện đang "bỏ ngỏ”. Hệ thống sơ cấp cứu TNGT dọc các tuyến QL hiện nay vừa yếu, vừa thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Những vụ TNGT nghiêm trọng, làm nhiều người bị thương nặng, có nguy cơ dẫn đến tử vong, nhưng nếu được sơ cấp cứu kịp thời tại chỗ sẽ hạn chế được những trường hợp đáng tiếc.

Thống kê chưa đầy đủ của ngành GTVT, cả nước hiện mới chỉ có khoảng 30 trạm sơ cấp cứu đường bộ. Các trạm này được hình thành từ Đề án "Xây dựng quy định và tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ" do Bộ Y tế triển khai thí điểm năm 2010 trên 4 tuyến QL. Tuy nhiên, đây là con số quá nhỏ bé so với số lượng nạn nhân bị thương bị TNGT cần phải sơ cấp cứu hàng năm và so với chiều dài các tuyến QL trên cả nước.

Cấp cứu nạn nhân một vụ tai nạn. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN


Mặc dù các tuyến QL như QL1, QL5... hiện được các địa phương và các tổ chức nhân đạo, chữ thập đỏ tài trợ hình thành các trạm sơ cấp cứu với đội ngũ tình nguyện viên được trang bị phương tiện cơ bản có thể sơ cấp cứu nhanh chóng nạn nhân, nhưng các chốt sơ cấp cứu này cũng đang trong tình trạng "lay lắt" vì không được đầu tư thường xuyên.

Đề cập tới vấn đề này, không ít chuyên gia ngành GTVT, ngành Y tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đều tỏ ra quan ngại, vì có trạm thì nằm bám đường QL, có trạm lại nằm xa QL và khoảng cách giữa các trạm y tế không đồng đều, chủ yếu tập trung ở những khu vực đông dân cư. Trong khi đó, số lượng nhân viên tại các trạm hạn chế cả về số lượng, trình độ, trang thiết bị tác nghiệp. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường cao tốc mới hoàn thành đưa vào sử dụng thì hãn hữu mới thành lập hoặc không có trạm y tế nằm dọc theo đường QL. Hệ quả tất yếu là mỗi khi có TNGT xảy ra, phần lớn các nạn nhân được người dân đến các điểm cấp cứu trong điều kiện nguy kịch, không liên lạc được với các trạm sơ cấp cứu vì không biết số điện thoại hoặc các đội cấp cứu không thể tự đi ngay được mà phải có sự điều động của tuyến trên. Điều này vô tình làm gây thêm chấn thương hoặc làm gia tăng nguy cơ tử vong.

Trong khi đó TNGT diễn ra hàng ngày trên các tuyến QL là nguyên nhân chủ yếu, chiếm tới 96% số vụ, 97% số người chết và hơn 98% số người bị thương. Hầu hết nạn nhân sau các vụ TNGT đều là những đối tượng cần phải sơ cấp cứu và đưa đến bệnh viện tuyến trên để điều trị, nếu có các trạm sơ cấp cứu kịp thời, tại chỗ, các trường hợp nạn nhân bị TNGT có nguy cơ tử vong cao có thể được cứu sống thêm khoảng 10%.

Cấp thiết!

Các bác sĩ Khoa Cấp cứu tại các Bệnh viện Thanh Nhàn, Việt Đức (Hà Nội) đều có chung nhận định: Việc sơ cấp cứu nạn nhân TNGT được tiến hành trong 15 phút sau khi xảy ra tai nạn được gọi là “thời gian kim cương”, trong 30 phút đầu được gọi là “thời gian vàng”. Cấp cứu càng sớm, đúng cách bao nhiêu thì khả năng sống sót và phục hồi càng cao, chi phí điều trị cũng giảm. Tuy nhiên, một thực tế đáng buồn và báo động ngay cả với các trung tâm y tế lớn là hàng ngày vẫn phải chứng kiến những ca tử vong đáng tiếc do không được chăm sóc, sơ cứu và vận chuyển đúng cách.

Tại các bệnh viện tuyến trên Hà Nội hiện nay, ước tính số bệnh nhân tiếp nhận từ tuyến dưới có khoảng 70% được chuyển bằng xe cấp cứu, còn lại 30% số bệnh nhân cấp cứu được chuyển thẳng vào bệnh viện bằng các phương tiện cá nhân. Các trường hợp cấp cứu chuyển tuyến thì chất lượng sơ cứu cũng chỉ đạt 50%, còn lại các trường hợp tự chuyển thẳng vào viện cấp cứu thì hầu như không được can thiệp hoặc chỉ được sơ cứu đơn giản như cầm máu vết thương hở phần mềm, bó nẹp tạm thời cố định xương gẫy...

Trước tình trạng bất cập về hệ thống sơ cấp cứu dọc đường bộ, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đã đề xuất với Bộ GTVT các giải pháp khắc phục, trong đó chú trọng thực hiện thí điểm đề án thành lập các trung tâm cứu hộ cứu nạn trên các QL. Theo đó, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam sẽ phối hợp với các địa phương thành lập 9 trung tâm cứu hộ cứu nạn trên các tuyến QL thường xuyên xảy ra TNGT nghiêm trọng: QL18 (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh); QL3 tại Km225+950 (xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, Bắc Kạn); QL6 tại Km405 (Tuần Giáo, Điện Biên); QL5 tại Km58+500 (Nam Sách, Hải Dương); QL1 tại Km 267 (TP Ninh Bình); Đường Hồ Chí Minh tại Km 708+300 (xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An); QL1 tại Km 623+470 (xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình); QL1 tại Km 1328 (TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên); QL14 tại Km 478 (TX Kon Tum, Kon Tum).

Các trung tâm này hoạt động dưới sự quản lý, điều hành trực tiếp của các khu quản lý đường bộ hoặc Sở GTVT, được trang bị nguồn lực gồm có bộ máy điều hành trung tâm cứu hộ cứu nạn, nhân viên y tế, nhân viên cứu hộ, công nhân điều khiển máy ủi, máy cẩu, ô tô cứu hộ cứu nạn và đặt dọc các tuyến đường có điều kiện giao thông phức tạp, phạm vi hoạt động bán kính khoảng 50 km. Dự kiến kinh phí cho mỗi trung tâm vào khoảng 15 tỷ đồng, bắt đầu hoạt động từ quý II/2012. Các trung tâm sẽ được nhân rộng và trải dài theo các tuyến QL của cả nước, nhằm phát hiện và ứng cứu kịp thời các trường hợp bị TNGT.

Bộ Y tế cũng đang tập trung xây dựng đề án "Tăng cường năng lực của hệ thống cấp cứu TNGT đường bộ", với mục tiêu từ năm 2015 - 2020, hoàn thiện hệ thống cấp cứu đủ năng lực, đáp ứng chuyên nghiệp, hiệu quả và nhanh nhất đối với các loại tai nạn. Hệ thống này đảm bảo tiếp nhận và cấp cứu ban đầu TNGT khi có thông báo sau 10 - 15 phút, cán bộ y tế có thể tiếp cận với người bị nạn, tổ chức cấp cứu ban đầu tại hiện trường và vận chuyển cấp cứu người bị nạn đến các cơ sở y tế an toàn. Dự kiến, hệ thống các trạm cấp cứu này nằm cách nhau từ 5 - 6 km, cách đường QL không quá 1 km, có biển báo, đèn hiệu chỉ dẫn đảm bảo ở khoảng cách 2 - 2,5 km để người dân có thể nhìn thấy dễ dàng, kể cả ban đêm.

Kỹ năng sơ cấp cứu cần được tuyên truyền rộng rãi
Bác sĩ Ngô Văn Toàn (Bệnh viện Việt Đức) cho biết: Trong đa số các vụ TNGT trên QL, chỉ những bệnh nhân chuyển lên từ cơ sở y tế tuyến dưới là được sơ cấp cứu đạt yêu cầu, còn bệnh nhân chuyển lên từ cộng đồng đa số chưa được hoặc được sơ cấp cứu nhưng không đúng cách. Sơ cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân có vai trò rất quan trọng, nhưng đa số người dân sinh sống ven các đường QL chưa biết cách sơ cấp cứu (ngay cả trong trường hợp người thân của mình bị nạn). Chính vì thiếu kiến thức, có những trường hợp bị tai nạn rất nhỏ nhưng đã tử vong. Do đó, không chỉ việc thiết lập hệ thống trạm sơ cấp cứu dọc đường hiện nay là cấp thiết, mà công tác đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu đúng cách, đúng bệnh cũng đóng vai trò quyết định. Các kỹ năng sơ cấp cứu cần được tuyên truyền rộng rãi trong cộng đồng, để mỗi người dân đều có thể thao tác, vận dụng.

Hệ thống trạm cấp cứu vẫn còn sơ khai
Bà Đào Thanh Tâm, Ban Chăm sóc sức khỏe Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết: Hệ thống trạm cấp cứu TNGT hiện nay vẫn còn sơ khai, vì mạng lưới sơ cấp cứu TNGT mới chỉ hình thành trên một số tuyến QL, người đảm nhận công tác sơ cấp cứu chủ yếu là thành viên của Hội Chữ thập đỏ các địa phương và một số trạm xá, nên năng lực chuyên môn không cao, chỉ đáp ứng được công tác sơ cứu đối với các chấn thương nhẹ. Bên cạnh đó, do các điểm sơ cấp cứu chủ yếu đặt tại nhà dân, nên thiết bị sơ cứu sơ sài, không đảm bảo sơ cứu đối với chấn thương nặng. Hội Chữ thập đỏ đang xây dựng khoảng 300.000 tình nguyện viên Chữ thập đỏ hoạt động đa năng, vừa vận động tham gia các hoạt động tình nguyện, tuyên truyền, vừa phát triển khả năng sơ cấp cứu ban đầu. Tuy nhiên, nếu thiếu nguồn tài trợ thì mục tiêu này cũng khó đạt được.

Trạm cấp cứu dọc QL chưa được quan tâm
Ông Lý Huy Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển giao thông (Bộ GTVT) cho biết: Trên các tuyến QL hiện nay, do chưa có các trạm cấp cứu hoặc do công tác cấp cứu tại chỗ sau những vụ tai nạn chưa được quan tâm đúng mức, nên sau khi các vụ TNGT xảy ra, số nạn nhân tử vong gia tăng. Trên thực tế, các nạn nhân sau tai nạn không được sơ cứu hoặc sơ cứu không đúng cách đã tử vong trong lúc khiêng lên cáng, ô tô trước khi được đưa tới bệnh viện. Do đó, việc xây dựng hệ thống cơ sở y tế cấp cứu trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến QL hiện nay là vấn đề cấp bách của các ngành liên quan.


Nguyễn Tiến
(thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN