Hiện chính quyền địa phương và lực lượng vũ trang với 50 cán bộ, chiến sĩ đang tích cực giúp người dân gia cố sạt lở bằng việc đắp các bao cát, chằng chống nhà cửa nhằm hạn chế nước biển xâm thực và giảm thiểu thiệt hại. Những hộ có nhà nguy cơ sập do triều cường uy hiếp được khẩn cấp di dời đến nơi an toàn.
Có mặt tại hiện trường vào 10 giờ ngày 6/11, phóng viên TTXVN ghi nhận có ít nhất 7 nhà dân bị triều cường, sóng biển đánh sập. Nhiều nhà liền kề bên trong cũng đang bị xói lở móng, nguy cơ sập là rất lớn. Kè biển An Phú dài 500 m, đỉnh kè cao 2,7 m đưa vào sử dụng năm 2013 với kinh phí đầu tư hơn 24 tỷ đồng để bảo vệ khu dân cư đang bị triều cường tiếp tục đánh sập.
Nhà bà Trần Thị Thanh Kiều, ở thôn Long Thủy, xã An Phú, đã bị triều cường đánh sập, cuốn trôi ra biển, phải ở tạm trong Lăng ông Long Thủy. Gần đó, nhà bà Trần Thị Thu cũng bị sập tường, sóng biển đang tiếp tục đánh vào bên trong, có nguy cơ sập nhà hoàn toàn. Bà Trần Thị Thu lo lắng nói: “Trong cơn bão số 12, từ 5 giờ ngày 4/11, nhiều nhà bị sóng biển cao từ 5-7 m đánh sập. Người dân không kịp dọn đồ đạc, phải chạy sang nhà hàng xóm tránh trú”.
Thiếu tá Nguyễn Viết Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm huấn luyện và nghiệp vụ Công an tỉnh Phú Yên cho biết: Đơn vị đã huy động các học viên giúp dân khẩn trương di chuyển đồ đạc, đắp bao cát chắn sóng. Theo dự báo, tối 6/11 tiếp tục có sóng lớn. Vì vậy, đơn vị phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên và Bộ đội Biên phòng tổ chức ứng trực 24/24h tại các điểm xung yếu để kịp thời giúp dân xử lý tình huống, tránh thiệt hại về người và tài sản cho bà con.