Trong sáng cùng ngày, Bệnh viện Tim mạch thành phố Cần Thơ (trên đường Trần Hưng Đạo, phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều) tiếp tục bị ảnh hưởng nặng bởi triều cường. Từ 6 giờ, nước bắt đầu mấp mé vỉa hè, chưa đầy 30 phút sau, nước đã tràn vào cổng, nhanh chóng lan sâu vào bệnh viện, nguy cơ tràn vào các phòng bệnh. Bác sỹ Chuyên khoa II Võ Hồng Sở, Giám đốc Bệnh viện cho biết, trong những ngày triều cường đạt đỉnh, nước liên tục tràn vào Bệnh viện khiến các bác sỹ, nhân viên, bệnh nhân không kịp xoay xở. Rút kinh nghiệm từ ngày đầu, Bệnh viện đã dùng bao đựng cát chắn trước các cửa phòng bệnh để nước không tràn vào, gây xáo trộn hoạt động khám, chữa bệnh. Theo ông Võ Hồng Sở, Bệnh viện hiện có khoảng 60 bệnh nhân điều trị nội trú; trong đó khoảng hơn 20 bệnh nhân ở các phòng tầng trệt bị ảnh hưởng bởi triều cường.
Chị Võ Thị Xuân Trường (40 tuổi, nhà ở huyện Phong Điền, đang chăm mẹ ngoài 70 tuổi ở Bệnh viện) cho biết: Trong 3 ngày chị chăm sóc mẹ tại Bệnh viện, mỗi ngày vào hai buổi sáng chiều đều ngập nặng. Trong phòng bệnh, nước ngập qua mắt cá chân. Biết giờ nước lên và rút nên chị đã chuẩn bị trước những gì cần thiết nhưng vẫn không thể tránh được nhiều bất tiện khác.
Trong khi đó, phía ngoài cổng Bệnh viện, nước mỗi lúc mỗi dâng cao, có đoạn qua đầu gối. Vì vậy, ở khu vực này có hàng chục dân quân, công an, bảo vệ dân phố, nhân viên cấp thoát nước, thanh niên tình nguyện đứng chờ để hỗ trợ người dân vào Bệnh viện cũng như đẩy xe giúp người dân vượt qua các đoạn ngập sâu. Gần 10 giờ sáng 13/10, nước bắt đầu rút dần.
Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn thành phố Cần Thơ, sau ngày 13/10, mực nước trên các sông rạch Cần Thơ bắt đầu xuống chậm nhưng còn ở mức cao, trên mức báo động II (1,9 m) cho đến ngày 15/10; sau đó sẽ xuống nhanh.
Ở Cần Thơ, trên các cồn trên sông Hậu như: cồn Sơn (quận Bình Thủy), cồn Khương (quận Ninh Kiều), trong những ngày qua xuất hiện tình trạng nước tràn bờ, rò rỉ gây sạt lở một số nơi. Nhiều diện tích vườn cây ăn trái tại cồn Sơn bị ngập do triều cường kết hợp nước thượng nguồn đổ về. Tại các điểm đê bao xung yếu, nơi rò rỉ nước, sạt lở đã được chính quyền địa phương huy động lực lượng gia cố, khắc phục. Các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng… đã huy động lực lượng quân đội, công an, dân quân, tự vệ, đoàn viên, thanh niên, chữ thập đỏ… túc trực tại các tuyến đường ngập sâu, hỗ trợ các phương tiện giao thông chết máy; tổ chức phân luồng, điều tiết giao thông, hạn chế ùn tắc cục bộ, đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường…
Trước diễn biến bất ngờ của triều cường, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đề nghị Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự, Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các quận, huyện chủ động ứng phó và kịp thời báo cáo, đề xuất về UBND thành phố khi con nước tăng cao bất ngờ; tiếp tục trực ban 24/24 giờ khi triều cường lên cao để kịp thời nắm tình hình và ứng cứu nếu sự cố xảy ra.
Các địa phương tăng cường gia cố tại các điểm đê bao xung yếu, ngăn chặn tình trạng sạt lở gây thiệt hại vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản tại các cồn; huy động lực lượng túc trực tại các điểm đê bao xung yếu trên nhằm kịp thời ứng cứu nếu tình trạng sạt lở, nước chảy tràn bờ đê. Tại các quận trung tâm thành phố tiếp tục tổ chức phân luồng giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân khi triều cường lên cao trong những ngày tới; đồng thời tiếp tục bố trí lực lượng ứng cứu tại các tuyến đường ngập sâu để hỗ trợ người dân.