Video Phương tiện chôn chân không lối thoát tại hai đầu cầu Chương Dương:
Trên đoạn đường từ Nguyễn Văn Cừ dẫn lên cầu Chương Dương vào thời điểm 7 giờ 30 sáng, là lúc các phương tiện tham gia giao thông đang nhích từng cm, còi xe inh ỏi, khói bụi khét lẹt tỏa ra từ các loại ống xả ô tô, xe máy, khiến không khí ngột ngạt, khó thở...
Phải mất khoảng 30 phút đồng hồ, anh Cao Năm Cường, ở phố Ngọc Lâm (quận Long Biên) mới thoát được khỏi "nút tắc" trên và di chuyển xe máy lên đầu cầu Chương Dương để đến công sở làm việc. Mỗi ngày đi làm của anh Cường, cũng như nhiều người khác trên tuyến đường "điểm nóng" ùn tắc này của Thủ đô là cả một thử thách về tay lái và sự nhẫn nại, bất kể mưa hay nắng. Một câu chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" thật khiến người ta nản lòng.
Hai tuyến đường Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm), Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên) dẫn lên hai đầu cầu Chương Dương đều có lòng đường hẹp, bình thường chạy hai làn xe thông thoáng, nhưng vào giờ cao điểm, chỉ cần chậm chân, gặp xung đột về giao thông tại các nút giao trước đó hoặc vắng bóng lực lượng chức năng phân luồng, hướng dẫn giao thông, ngay lập tức hai tuyến đường có tới 4 hàng xe ô tô dàn ngang, án ngữ, chạy song song, cộng với lượng xe máy "mạnh ai nấy chạy", dồn toa khiến "nút cổ chai" đầu cầu, kẹt cứng.
Không khó để ghi nhận tình trạng giao thông nhốn nháo, lộn xộn, "rối như tơ vò" bởi cảnh người và phương tiện chôn chân tại hai đầu cầu Chương Dương vào giờ cao điểm hàng ngày, gây ra cảnh ùn tắc kèo dài hàng giờ đồng hồ.
Theo chia sẻ của các chiến sỹ cảnh sát giao thông chốt trực phân luồng giao thông cầu Chương Dương, nguyên nhân chính của tình trạng ùn tắc nghiêm trọng tại đây là do ý thức của người tham gia giao thông, không ai chịu nhường ai. Trong khi đó, hai đường dẫn lên cầu hẹp, đã quá tải từ lâu vì diện tích mặt đường không theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện, dân số đô thị và giao thông các cầu khác bắc qua sông Hồng đều trong cảnh tương tự, chưa xây được cầu mới để giảm tải cho cầu Chương Dương.
Các chuyên gia giao thông đô thị phân tích, nguyên nhân dẫn đến việc ùn tắc giao thông tại hai đường dẫn lên cầu Chương Dương là do cách tổ chức giao thông ở đầu cầu thiếu khoa học. Theo cách tổ chức ở vị trí vòng xuyến đầu cầu Chương Dương phía đường Trần Nhật Duật hiện nay, các phương tiện di chuyển từ hướng Long Biên vào nội thành rồi rẽ phải xuôi về hướng Yên Phụ và ngược lại từ hướng đường Trần Nhật Duật lên cầu sẽ gặp hai lần giao cắt với các phương tiện đi từ Long Biên di chuyển sang. Chính hai điểm giao cắt này gây ra sự hỗn loạn trong tổ chức giao thông. Các phương tiện khi di chuyển đến vị trí này xung đột với nhau, gây ra ùn tắc từ cả hai hướng lên cầu.
Do đó, chỉ cần các cơ quan chức năng tổ chức lại giao thông khu vực vòng xuyến đầu cầu Chương Dương hướng từ phố Trần Nhật Duật lên cầu, về cơ bản sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc ở hai điểm giao cắt trên.
Cụ thể, các phương tiện di chuyển từ hướng Long Biên, qua cầu tới vòng xuyến rẽ phải theo hướng đi về đường Yên Phụ, sau đó rẽ trái đi vào phố Trần Nhật Duật, di chuyển qua gầm cầu hoặc lên cầu về phía Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Theo cách tổ chức này sẽ không tạo ra xung đột tại hai điểm giao cắt ở vòng xuyến đầu cầu, tạo ra sự thuận chiều trong việc di chuyển của các phương tiện.
Còn theo tìm hiểu của phóng viên, cầu Chương Dương đang là cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận. Từ năm 1985 đến nay, cầu đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô. Tuy nhiên, những năm gần đây, cầu Chương Dương thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm. Mặc dù từ lâu, Hà Nội đã có thêm nhiều cầu bắc qua sông Hồng kết nối trung tâm thành phố với các quận, huyện lân cận như: Cầu Thăng Long, Nhật Tân, Thanh Trì, Vĩnh Tuy, nhưng cầu Chương Dương vẫn không được giảm tải, số đông người dân vẫn chọn cầu này để vào nội đô, khiến cho lưu lượng phương tiện qua cầu gia tăng nhanh, gây ùn tắc hàng ngày.
Theo quy hoạch của TP Hà Nội, thời gian tới, gần cầu Chương Dương sẽ có 2 cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo được đầu tư xây dựng, với kỳ vọng chia sẻ bớt phương tiện. Cầu Tứ Liên hoàn thành sẽ giúp phương tiện từ huyện Đông Anh có thể di chuyển vào nội đô nhanh chóng thay vì đi qua cầu Đông Trù vào đường Nguyễn Văn Cừ để lên cầu Chương Dương. Cầu Trần Hưng Đạo sẽ hỗ trợ phương tiện từ đường Nguyễn Văn Cừ có thể di chuyển qua phố Hồng Tiến, đường đê Long Biên để lên cầu Chương Dương. Ngoài ra, phương tiện từ quận Long Biên đi đường Cổ Linh không cần phải qua cầu Chương Dương, đi thẳng lên cầu Trần Hưng Đạo vào nội đô.
Về các giải pháp từng bước giải quyết tình trạng ùn tắc hai đầu cầu Chương Dương nói riêng, xử lý các "điểm nóng" ùn tắc của thành phố hiện nay nói chung, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, cần tập trung tổ chức giao thông hai đầu cầu hợp lý hơn; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân; lắp đặt camera giám sát, phạt nguội vi phạm...
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cần khẩn trương phát triển vận tải hành khách công cộng đi liền với việc giảm phương tiện giao thông cá nhân; xây dựng đề án thu phí phương tiện; xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin trực tuyến để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý, xây dựng văn hóa giao thông, hạn chế ùn tắc từ xa.