Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025.
Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng, Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở quan trọng để Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư về nguồn nhân lực cho đồng bào DTTS và miền núi tiếp tục thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và phát triển bền vững. Mỗi vùng đồng bào DTTS đều có đặc thù riêng, mỗi vùng DTTS phát triển, thì cả đất nước sẽ phát triển vững bền trong tương lai.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, địa phương này đã có kế hoạch chi tiết sẵn sàng triển khai thực hiện Chương trình. “Không chỉ riêng Ninh Thuận, mà vùng DTTS của cả nước đều mong đợi việc này, sẵn sàng với tinh thần trách nhiệm nhất, quyết tâm nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho nhân dân. Chúng tôi đặt mục tiêu cụ thể về giảm tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mục tiêu Chính phủ đề ra. Cụ thể, Ninh Thuận đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 1,5 - 2%/năm”, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam khẳng định.
Ngoài ra, Ninh Thuận cũng sẽ bổ sung nguồn lực của địa phương ưu tiên cho vùng đồng bào DTTS&MN. Chú trọng việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư tổng hợp, tránh chồng chéo, phát huy hiệu quả nhất nguồn lực đầu tư. Ưu tiên đầu tư cho khu vực miền núi, chăm lo nâng cao đời sống của người DTTS, không để ai bị bỏ lại phía sau là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Ông Trần Quốc Nam cho biết, Ninh Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN một cách bền vững. Trọng tâm là phát triển đồng bộ hệ thống kết nối hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ sản xuất gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm dân tộc; tạo điều kiện cho các hộ đồng bào DTTS, người nghèo tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế…
Mặc dù vậy, theo đại biểu Quốc hội cho rằng dù các chính sách đã ban hành kịp thời nhưng đời sống vật chất, tinh thần, y tế, giáo dục của đồng bào vẫn còn rất nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của cả nước.
Trong kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV vừa qua, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, để đồng bào không bị bỏ lại phía sau, trong quá trình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế ở nước ta, cần xem xét, bổ sung nhóm chính sách, giải pháp riêng hoặc lồng ghép cụ thể hơn trong các chính sách chung những giải pháp đặc thù, liên quan trực tiếp đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 cũng như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn) cho rằng, cần xem xét, bổ sung chỉ tiêu riêng cho vùng đồng bào DTTS&MN trong một số chỉ tiêu chung của 16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 như: Chỉ tiêu về giảm nghèo, chỉ tiêu về tỷ lệ lao động qua đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế và về tỷ lệ bác sỹ, giường bệnh trên 1 vạn dân. Ví dụ dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đặt mục tiêu năm 2022 giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 1-1,5% thì sẽ bổ sung thêm chỉ tiêu đối với tỷ lệ hộ nghèo trong trong đồng bào DTTS mỗi năm giảm trên 3% để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 88/2019/QH14 của Quốc hội.