Ủy ban Dân tộc công bố kết quả thu thập thông tin về 53 dân tộc thiểu số

Chiều 3/7 tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Tổng cục Thống kê tổ chức Hội nghị công bố kết quả điều tra, thu thập thông tin về thực trạng tình hình kinh tế - xã hội về 53 dân tộc thiểu số năm 2019.

Tại hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải cho biết: Mục đích của đợt điều tra, thu thập thông tin này là nhằm cung cấp toàn diện các thông tin về đặc điểm kinh tế - xã hội; dân số và các đặc trưng nhân khẩu học; điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời hình thành hệ thống thông tin, phục vụ hoạt động quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

“Khác với cuộc điều tra năm 2015, cuộc điều tra năm 2019 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào điều tra, góp phần nâng cao chất lượng ngắn quá trình xử lý thông tin”, ông Lê Sơn Hải cho biết.

Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Thị Hương khẳng định: Cả nước hiện có 5.4 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, chiếm 49% tổng số xã toàn quốc. Khoảng 87% xã dân tộc thiểu số phân bố ở khu vực nông thôn, thuộc phạm vi quản lý của 503/713 huyện, thị xã; thuộc 54/63 tỉnh, thành phố. Năm 2019, khoảng 98,6% số thôn thuộc các xã vùng dân tộc thiểu số được tiếp cận điện, chủ yếu sử dụng điện lưới quốc gia.

Chú thích ảnh
Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 10/2019, góp phần xây dựng định hướng chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030.

Hiện cả nước có gần 21.600 trường học; 26.500 điểm trường vùng dân tộc thiểu số với 91% trường học kiên cố; tăng hơn 3.800 trường và giảm 2.300 điểm trường so với năm 2015.

Về vấn đề dân số và các đặc trưng nhân khẩu học, bà Nguyễn Thị Hương cho biết: Tính đến ngày 1/4/2019, dân số 53 dân tộc thiểu số khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước; quy mô tăng gần 1,9 triệu người trong 10 năm (2009-2019) với tỷ lệ tăng dân số bình quân 1,42%. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu đạt 22,7 tuổi, thấp hơn mức trung bình của toàn bộ dân số (25,2 tuổi) và tăng 1,7 tuổi so với năm 2015.

Với tổng tỷ suất sinh (TFR) của người dân tộc thiểu số 2,35 con/phụ nữ, giảm 0,03 con/phụ nữ so với năm 2015, bà Nguyễn Thị Hương nhận định, tỷ lệ sinh con của phụ nữ dân tộc thiểu số vẫn khá cao so với mức bình quân chung của cả nước (2,09 con/phụ nữ) và cao hơn so với mức sinh thay thế (2,1 con/phụ nữ).

Tuổi thọ trung bình của 53 dân tộc thiểu số là 70,7 tuổi. Với tỷ lệ 100,5% học tiểu học, 85,8% đi học cấp Trung học cơ sở (THCS) và 50,7% cấp Trung học phổ thông (THPT), mức độ tiếp cận với giáo dục phổ thông của người dân tộc thiểu số đã được cải thiện rõ rệt so với năm 2015, đặc biệt ở cấp THPT. Hiện có 8,03 triệu người dân tộc thiểu số từ 15 tuổi trở lên tham gia lực lượng lao động; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khoảng 83%.

Về điều kiện nhà ở, sinh hoạt và đời sống văn hóa tinh thần, gần như toàn bộ các hộ dân tộc thiểu số có nhà ở, trong đó nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố chiếm 79,2%. Đặc biệt, diện tích nhà ở bình quân  gần 17m2/người; 96,7% hộ sử dụng điện lưới thắp sáng; khoảng 92,5% hộ sử dụng điện thoại cố định, di động, máy tính bảng; 61,3% hộ tiếp cận internet…

Đặc biệt, với 19,7% hộ dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội năm 2019, bà Nguyễn Thị Hương nêu rõ: Vốn tín dụng chính sách xã hội góp phần quan trọng giúp các hộ dân tộc thiểu số có nguồn lực phát triển kinh tế, nâng cao trình độ quản lý sản xuất kinh doanh, cải thiện chất lượng cuộc sống, thoát nghèo.

Chú thích ảnh
Ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phát biểu tại Hội nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định: Sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Nhà nước với nguồn kinh phí lớn được thể hiện qua 10 dự án; nhằm tập trung giải quyết những vấn đề bức thiết trong cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả điều tra, thực trạng dân tộc thiểu số là nguồn tin chính thức, tin cậy để các cơ quan của Đảng, của Quốc hội và bộ, ngành tham mưu, xây dựng hàng loạt các chính sách góp phần phát triển đất nước nói chung, phát triển vùng dân tộc thiểu số nói riêng; đồng thời đáp ứng nhu cầu thông tin chính thống, minh bạch cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến vùng dân tộc thiểu số, miền núi Việt Nam.

Với tiêu chí “không để ai bỏ lại phía sau”, ông Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Kết quả của cuộc điều tra, thu thập thông tin góp phần hỗ trợ các cơ quan trung ương và địa phương vùng dân tộc thiểu số đánh giá chính xác kết quả thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020; xây dựng định hướng chiến lược phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030; đưa ra giải pháp phát triển xã hội, đặc biệt các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2025.

TN/Báo Tin tức
Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số 
Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số 

Ngày 3/7, tại Hà Nội, Helvetas Việt Nam, Liên minh Đất đai Landa, Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng Nông thôn (CCRD) đã tổ chức hội thảo khởi động dự án “Tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất cho đồng bào dân tộc thiểu số”. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN