Bộ phim được phát sóng tại Đông Nam Á, Đức, Nhật Bản và được phát hành bằng 10 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Việt…..
Bộ phim tài liệu dài hơn 20 phút kể về cuộc cách mạng công nghệ số của Việt Nam, từ một quốc gia không tên trên bản đồ công nghệ số thế giới, vượt qua những thách thức, Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế số hàng đầu khu vực châu Á và đang ở vị thế lý tưởng để dẫn đầu trong cuộc cách mạng công nghệ mới cũng như trở thành trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.
Bộ phim được chia làm 3 phần, khắc họa rõ nét từng bước phát triển của cuộc cách mạng công nghệ số Việt Nam. Phần một của bộ phim đưa người xem ngược dòng quá khứ về với Việt Nam ở thời kỳ khó khăn sau chiến tranh. Nhưng với chính sách đổi mới, Việt Nam không những thu hút được các doanh nghiệp lớn của nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ như IBM, Microsoft, HP mà còn khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, hình thành những doanh nghiệp tiên phong, thúc đẩy phát triển kinh tế của quốc gia như FPT.
Phần hai của bộ phim dẫn dắt người xem đến với hành trình đưa trí tuệ Việt Nam ra toàn cầu ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới. Vượt qua những thách thức của khủng hoảng kinh tế, bong bóng dot-com, các doanh nghiệp công nghệ Việt đã đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn về xuất khẩu phần mềm.
Phần ba của bộ phim cho thấy tinh thần kiên cường vượt qua những thách thức của đại dịch COVID-19 và khả năng đổi mới sáng tạo, bắt kịp các xu hướng công nghệ mới như AI, Bán dẫn, Automotive…. từng bước khẳng định trí tuệ Việt Nam trên bản đồ công nghệ số thế giới và vươn lên trở thành trung tâm công nghệ mới, trung tâm nguồn lực công nghệ của thế giới.
Tiến sĩ Trương Gia Bình, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch FPT cho biết: "Hơn hai thập kỷ trước, không ai nghĩ Việt Nam có thể phát triển phần mềm cho thế giới. Cứ đi là có đường. FPT đã cùng các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) khác đã tạo thành một đàn chim Việt bay đi khắp thế giới, khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu. Giờ đây, Việt Nam đang có 1 triệu kỹ sư CNTT, một nửa trong số đó là lập trình viên. Nếu có thể tập trung nguồn lực này cho lĩnh vực bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, Việt Nam không chỉ có thể đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn có thể cung ứng cho toàn thế giới”.