Hiện tượng “xe dù” núp bóng xe chạy hợp đồng vận chuyển du lịch để vận chuyển hành khách tuyến cố định đang làm rối loạn hoạt động vận tải khách và gây bức xúc trong dư luận. Khắc phục tình trạng này, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian tới, các loại xe chạy hợp đồng sẽ phải minh bạch các yếu tố liên quan mới được cấp phép, nhất là quy định chỉ được phép hoạt động theo điểm đi và điểm đến của hành trình.
Nhiều “bến cóc”, “xe dù”
Hàng ngày tại các “bến cóc” trên đê Yên Phụ, phố Cửa Đông, Nguyễn Trường Tộ, Trần Khát Chân - Lò Đúc... (Hà Nội), có không dưới 80 lượt xe giả danh xe hợp đồng, xe du lịch chạy tuyến Hà Nội - Lạng Sơn - Đồng Đăng - Hữu Nghị Quan xuất bến với tần suất 30 phút/chuyến. Sắm vai hành khách, mới biết các “mánh khóe, chiêu trò” chạy tuyến của chủ xe.
Hầu hết, các xe “du lịch” chạy tuyến này thực chất đều là xe khách nên thường đón, dừng đỗ, bắt trả khách dọc đường, thu tiền tùy theo chặng hành khách đi xe “du lịch” tuyến này đều được lái, phụ xe hướng dẫn đầy đủ các quy định cho khách đi du lịch, được yêu cầu cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân theo một hợp đồng giấy in sẵn. Không biết hợp đồng có tác dụng gì, nhưng mỗi khi những chiếc xe du lịch này được cảnh sát giao thông (CSGT) “sờ gáy”, hợp đồng này được xuất trình cùng với các giấy tờ khác liên quan là xe lại “ung dung” lên đường.
Suốt tuyến đường chạy xe, chiếc biển phóc - mi - ca trắng hai mặt ghi chữ đỏ Hà Nội - Lạng Sơn, Lạng Sơn - Hà Nội liên tục được lái xe nâng lên để bắt khách và hạ xuống mỗi khi qua chốt CSGT. Những xe vận tải khách du lịch còn bắt khách bằng cách gọi điện thoại cho khách quen để đón tận nhà, hoặc kết hợp với đội ngũ xe ôm để bắt khách trên từng cây số.
Đón trả khách lộn xộn gây mất trật tự an toàn giao thông. |
Các “bến cóc” được hình thành quanh các khu vực có bến xe. Ví dụ, trên một tuyến phố cấm dừng đỗ tại nội đô như phố Trần Khát Chân - Lò Đúc cũng đã có đến 4 cái “bến cóc” cho hàng ngàn lượt xe “đổ bộ” đón, trả khách từ nhiều năm nay. Khu vực này, thường xuyên có xe dừng đỗ trái quy định vào các giờ cao điểm cuối chiều các ngày. Theo những người dân sống gần các “bến cóc” này, thì tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông tại đây đã tồn tại từ nhiều năm nay nên dư luận rất bức xúc.
Trao đổi về vấn đề này, thanh tra giao thông Hà Nội cho biết, mặc dù đã xử lý rất nhiều trường hợp vi phạm, nhưng chủ yếu chỉ bắt được lỗi dừng xe không đúng nơi quy định, còn không thể xử lý triệt để được tình trạng xe khách trá hình là xe du lịch. Bởi khi kiểm tra thì các xe đều có sẵn hợp đồng du lịch. Quy định không được bán vé, thì các xe “lách” bằng cách phát cho khách “phiếu đặt chỗ”. Yêu cầu phải có danh sách hành khách thì nhà xe cũng không khó để “chế” một danh sách chuẩn bị sẵn. Lực lượng thanh tra giao thông không có quyền hỏi giấy tờ tùy thân của hành khách để đối chiếu với danh sách do nhà xe cung cấp nên rất khó xử lý.
Phải xử lý triệt để
Quyết định số 16/2007/QĐ - BGTVT của Bộ GTVT quy định về vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định, hợp đồng và vận tải khách du lịch bằng ô tô đã nghiêm cấm các xe vận chuyển khách theo hợp đồng, đăng ký khai thác vận chuyển khách du lịch tổ chức bán vé cho khách đi xe. Bên cạnh đó, xe du lịch chỉ được phép hoạt động khi có hợp đồng vận tải ghi rõ thời gian thực hiện hợp đồng, địa chỉ cụ thể nơi đi, nơi đến, số lượng khách tại từng điểm, hành trình chạy xe... Nhưng thực tế cho thấy quyết định này đang bị “phớt lờ”.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia giao thông, để khắc phục được tình trạng trên, trước mắt, các cơ quan hữu quan cần sớm ban hành các quy định siết chặt hoạt động cấp phép xe chạy hợp đồng du lịch, minh bạch rõ thời gian, phương thức, chất lượng, dịch vụ, hoạt động... của loại hình vận tải này, trong đó, quan trọng là quy định về điểm đi, điểm đến phải cụ thể và không được phép bắt khách dọc đường. Nếu thực hiện được những quy định đó, lực lượng CSGT các địa phương mới có cơ sở để bắt giữ, xử lý triệt để các sai phạm.
Tiếp thu ý kiến của các chuyên gia giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang tập trung xây dựng Đề án đổi mới quản lý vận tải đường bộ theo hướng minh bạch, trong đó có quy định xử lý tình trạng xe đăng ký trá hình xe hợp đồng nhưng lại tranh giành khách với các xe chạy tuyến cố định. Theo đó, các chủ xe, đơn vị vận tải muốn đăng ký vận chuyển khách du lịch phải báo cáo với Sở GTVT địa phương để theo dõi, quản lý, giám sát về: Biển kiểm soát xe, hành trình xe chạy, thời gian khởi hành và kết thúc, tổng số hành khách trên chuyến đi... Bên cạnh đó, loại hình vận tải khách này sẽ không được phép dừng đỗ, bắt khách dọc đường và chỉ được phép theo hành trình đã đăng ký về điểm đi và điểm đến. Quy định này được phân biệt với loại hình vận tải tuyến cố định là được phép đón trả khách tại các điểm quy định dọc hành trình.
Sở GTVT Hà Nội đồng tình với quan điểm của đề án này và cho rằng, xe chạy hợp đồng trá hình đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải của Thủ đô. Hàng loạt các tuyến vận tải liên tỉnh đã bị “chết lâm sàng” thời gian qua, như tuyến Hà Nội - Huế, Lạng Sơn, Quảng Trị, Quảng Bình... vì không cạnh tranh được với xe “dù”. Thêm vào đó là tình trạng mất an toàn giao thông, mất trật tự an ninh tại các “bến cóc” ngày càng gia tăng. Nghiêm trọng hơn, nếu tình trạng vi phạm này không được quản lý sớm và chặt chẽ, sẽ dễ tạo ra hiệu ứng tiêu cực lan rộng trong ngành vận tải. Các doanh nghiệp làm ăn chân chính sẽ bị “bóp chết” và các nhà xe làm ăn “chụp giật” sẽ tung hoành, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động vận tải hành khách nói chung. Trong bối cảnh doanh nghiệp chạy tuyến cố định trong bến phải chịu sự quản lý của Nhà nước về các thể lệ vận tải, về giá vé, chất lượng xe cộ... thì xe hợp đồng trá hình không chịu sự quản lý của bất kỳ đơn vị nào...
Giám đốc Công ty Quản lý bến xe Hà Nội Nguyễn Hoàng Trung: Vận tải “chết”, hành khách “thiệt”, Nhà nước “thất thu”
Tình trạng xe hợp đồng trá hình xe du lịch để vận tải hành khách đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động vận tải, khiến nhiều tuyến xe chạy cố định đã “chết” vì không cạnh tranh được. Trong khi đó, hành khách thiệt đơn, thiệt kép do đơn vị vận tải tự ấn định giá vé và không chịu ràng buộc bởi liên ngành tài chính, thuế, giao thông vận tải. Còn Nhà nước thì thất thu không nhỏ các loại tiền thuế, phí.
Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Hoàng Văn Mạnh: Cần sớm bổ sung các quy định
Vấn đề cấp thiết nhất hiện nay để xử lý triệt để tình trạng này là các cơ quan hữu quan cần sớm sửa đổi, bổ sung các quy định, chế tài liên quan để siết chặt tình trạng vi phạm. Thanh tra giao thông kiến nghị nên quy định thêm việc bắt buộc doanh nghiệp vận tải phải có hóa đơn đỏ đối với hợp đồng vận chuyển, vừa tránh được việc “né” thuế, vừa giảm thiểu việc “chế” sẵn hợp đồng “ma”. Các lực lượng kiểm tra, xử lý chuyên ngành cần tăng cường phối hợp để xử lý vi phạm; tập hợp danh sách các đơn vị vận tải thường xuyên vi phạm để báo cáo cơ quan quản lý về việc cấp phép hoặc thu hồi, thậm chí là kiến nghị áp dụng biện pháp thu hồi giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp vi phạm...
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh: Khó quản xe du lịch trá hình
Mặc dù lực lượng chuyên ngành thường xuyên rà soát, phát hiện, bắt giữ và xử lý, nhưng do sự “cơ động” của các loại xe vận tải khách du lịch trá hình nên rất khó quản lý. Lợi dụng kẽ hở trong quản lý nhà nước về quy định vận chuyển khách du lịch, các doanh nghiệp kiểu này còn thay đổi liên tục địa điểm hoạt động gửi xe ở các điểm đỗ, gom khách tại các văn phòng vận tải hoặc tại nhà, khách sạn... Tới đây, việc xử lý các loại xe này sẽ được triển khai trên diện rộng, kể cả tại các điểm đỗ xe tĩnh. |
Lê Hương Hiền