Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc, sinh ngày 25/12/1918, tại xã Tam Khương, huyện Thanh Trì, Hà Nội, cách đây đúng 100 năm.
Với năng khiếu mỹ thuật và tự học, ngay từ lúc còn trẻ, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc đã có tác phẩm tham gia Triển lãm mỹ thuật của SADEAL lần thứ ba (năm 1937) và được tặng Bằng khen của triển lãm. Năm 1939, vào tuổi 21, ông thi đỗ vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa 13 và tốt nghiệp khoa Hội họa niên khóa 1939 - 1944 cùng các họa sỹ như: Trần Đình Thọ, Phạm Văn Đôn, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Trọng Hợp, nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim…
Từ những ngày đầu của cuộc Cách mạng tháng Tám, ông tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc, đến khi cách mạng thành công, nước nhà độc lập. Khi thực dân Pháp lại xâm lược nuớc ta lần nữa, tháng 12/1946, họa sỹ Nguyễn Sĩ Ngọc tham gia đoàn quân Nam tiến. Ông cùng các nghệ sỹ Nguyễn Tuân, Bửu Tiến, Chu Ngọc… gia nhập Đoàn kịch kháng chiến tại Thanh Hóa, Liên khu IV. Tại đây, ông hoạt động trong đoàn Văn hóa kháng chiến (sau là Chi hội văn nghệ Liên khu IV), tham gia giảng dạy tại Phân trường Mỹ thuật khu IV cùng với nhiều họa sỹ khác, ông đã ghi chép, ký họa và sáng tác các tác phẩm mỹ thuật phục vụ kháng chiến. Năm 1949, ông sáng tác bức tranh sơn mài “Bát nước", sau này đổi tên là “Tình quân dân” đã được lựa chọn cùng một số tác phẩm khác của Nguyễn Đỗ Cung, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Khang, Diệp Minh Châu… dự Triển lãm tại Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới ở Berlin, Đức.
Năm 1950, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc được điều động ra công tác tại Chiến khu Việt Bắc, làm giảng viên trường Mỹ thuật kháng chiến do họa sỹ Tô Ngọc Vân làm Hiệu trưởng, đào tạo khóa Mỹ thuật đầu tiên của chính quyền cách mạng. Ông vừa tham gia giảng dạy, vừa không ngừng sáng tác. Thời gian này, ông đã có những ký họa bút sắt, mực nho hay chì sáp rất đẹp như “Đèo Lũng Lô", “Qua suối lũ”, “Dân công sửa chữa cầu đường”… Trong đó, tác phẩm bức tranh lụa "Tin chiến thắng” tham gia Triển lãm Hội họa năm 1951 tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang, một triển lãm mỹ thuật có số tác phẩm nhiều nhất và phong phú về nội dung, chất liệu được tổ chức trong kháng chiến chống Pháp. Bức tranh “Tin chiến thắng” đã được Ban Giám khảo tặng Giải Khuyến khích.
Hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông cùng các văn nghệ sĩ kháng chiến trở về thủ đô. Năm 1955, trường Mỹ thuật Việt Nam được thành lập ở Hà Nội do họa sỹ Trần Văn Cẩn làm Hiệu trưởng, ông về làm giảng viên tại nhà trường ngay từ đầu thành lập và tiếp tục công việc sáng tác của mình. Cũng trong năm 1955, tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955, hai tác phẩm sơn mài “Đi đấu tranh” và “Đội về” của ông đã được tặng giải Nhất.
Sau 10 năm công tác tại trường Mỹ thuật Việt Nam, năm 1965, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc chuyển sang làm việc với Tổ sáng tác, gồm bảy họa sỹ danh tiếng của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Từ năm 1973, ông chuyển sang báo Văn nghệ phụ trách vẽ tranh minh họa và viết bài phê bình mỹ thuật cho đến khi nghỉ hưu, năm 1978.
Từng có thời gian sống và làm việc cùng họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc, nhà phê bình mỹ thuật Tạ Quốc Bảo chia sẻ, những năm tháng được sống và làm việc với họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc, ông đã học được nhiều bài học về nghề của một tài năng đa ngành mỹ thuật.
"Với tài năng của mình, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc đã sáng tạo ra nhiều tác phẩm thiết kế sân khấu độc đáo, để lại ấn tượng với công chúng. Nguyễn Sỹ Ngọc là thế hệ đầu tiên mở ra cho nghệ thuật mỹ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam. Ngoài sáng tác, giảng dạy, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc còn là một nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật sâu sắc. Ông cũng là một trong những người viết về lý luận phê bình mỹ thuật sớm nhất, cùng với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Văn Tỵ… ”, nhà phê bình Tạ Quốc Bảo đánh giá.
Trong suốt quá trình công tác, họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng danh giá như: Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương lao dộng bạng Ba, Huy hiệu kháng chiến chống Pháp, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam, Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.
Họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc mất năm 1990. Đúng 10 năm sau, năm 2000, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã trao tặng họa sỹ Nguyễn Sỹ Ngọc Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (đợt 2) cho 4 tác phẩm sơn mài: “Tình Quân dân (Bát nước)” (1949). “Đổi ca” (1962), “Chiến dịch Điện Biên Phủ” (1980), “Đèo nai" (1965).