Dự họp có đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo tỉnh và ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch 12 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội. \
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển", Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam Bộ lần thứ VIII tại tỉnh Sóc Trăng, năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 8/11/2022. Ngày hội có sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố, gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Theo bà Nguyễn Thị Hải Nhung, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó trưởng Ban tổ chức, Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Tại Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, như: Trưng bày, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm, trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, còn có các hoạt động thể thao, hoạt động du lịch như kéo co, bóng đá, bi sắt, cờ ốc…
Ông Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, đến với ngày hội, Trà Vinh sẽ tham gia 8 tiết mục văn nghệ và đua ghe Ngo. Trong dịp này, Trà Vinh cũng tổ chức Tuần lễ ẩm thực gắn với lễ hội Óoc Om Bóc tại tỉnh Trà Vinh, tổ chức đua ghe Ngo lớn. Đoàn của tỉnh cũng đang tích cực chuẩn bị một số tiết mục như ca nhạc, múa, thi trang phục truyền thống… để tham gia Ngày hội.
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Trưởng Ban Tổ chức, Ngày hội năm nay được tổ chức lồng ghép với Lễ hội Óoc Om Bóc – Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sống Cửu Long, năm 2022 nên sẽ tạo cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.
Ban Tổ chức Ngày hội cũng yêu cầu các đội của các tỉnh tham gia nhiều nội dung hoạt động để Ngày hội được tổ chức sôi nổi, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương. Các đội cần chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam Bộ để đem tới Ngày hội, đảm bảo yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống…
Tại cuộc họp, đại biểu của các tỉnh đã trao đổi, đóng góp ý kiến để Ban tổ chức, Ban Chỉ đạo cụ thể hóa các chương trình, hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội; nêu lên những khó khăn, thuận lợi khi tham gia với mong muốn giao lưu, học hỏi lẫn nhau trên tinh thần vui tươi, đoàn kết. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội khẩn trương gửi kế hoạch, nội dung đăng ký tham gia các môn tranh tài cho Ban tổ chức để lên kế hoạch tổ chức cụ thể, góp phần vào thành công của Ngày hội...