Triển khai thực hiện Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản), hiện có 15 thủ nhang trông coi, quản lý các di tích đã nộp đơn xin tiếp tục công việc trong nhiệm kỳ 5 năm theo quy chế mới, do UBND huyện Vụ Bản ban hành.Thông tin trên được ông Trần Anh Dũng, Bí thư Huyện ủy Vụ Bản, tỉnh Nam Định cho biết. Bên cạnh đó, có 3 điểm di tích thuộc Quần thể phủ Dầy là những cơ sở tôn giáo nên không áp dụng theo quy chế.
Du khách thập phương về dâng hương, lễ mẫu trong ngày khai hội Phủ Dầy. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN |
Tính đến nay, tại Quần thể di tích lịch sử - văn hóa phủ Dầy chỉ có thủ nhang phủ Vân Cát là được nhân dân bầu ra. Việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy nhằm đổi mới việc quản lý theo hướng giao cho cộng đồng tham gia quản lý, tránh tình trạng tư nhân hóa, góp phần ổn định trật tự xã hội.
Qua đó nâng cao trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức và nhân dân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy; bảo tồn các yếu tố gốc của di tích và quản lý tốt việc bảo vệ, tu bổ, tôn tạo di tích theo Luật Di sản văn hóa và các quy định khác của pháp luật.
Theo đó, người được cộng đồng tín nhiệm cử ra trông coi, quản lý các di tích thuộc Quần thể di tích Phủ Dầy phải là người có hộ khẩu thường trú tại địa phương, ưu tiên người đã có nhiều năm trực tiếp trông coi, quản lý di tích và có thành tích trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích; có hiểu biết về lịch sử văn hóa di tích, về Lễ hội Phủ Dầy và tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạnh đó, người trông coi cần có đủ sức khỏe và khả năng khai thác phát huy giá trị của di tích; bản thân và gia đình thực tốt các đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Sau 5 năm đảm nhiệm, nếu đủ các tiêu chuẩn, điều kiện và được nhân dân tín nhiệm thì tiếp tục được giao quản lý. Người được giao trông coi di tích phải đảm bảo nguyên trạng của di tích, nếu di tích xuống cấp phải báo cáo, đề xuất kế hoạch trùng tu, tôn tạo....
Quy chế cũng quy định quy định: nguồn thu từ giấy chứng nhận công đức, hòm công đức, tiền cúng tiến, ủng hộ, tài trợ... chủ yếu được sử dụng vào việc tu bổ, tôn tạo, bổ sung trang thiết bị, phương tiện phục vụ di tích. Nguồn thu từ tiền dầu nhang, viết sớ, tiền đặt lễ... dùng để chi cho công tác quản lý điều hành, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích, tổ chức các nghi lễ tín ngưỡng cổ truyền.
Theo đánh giá của các nhà quản lý văn hóa, việc ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy là cần thiết để quản lý, bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị của di tích đồng thời khắc phục những tồn tại lâu nay.