Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.
Viết về văn bản chính luận Tuyên ngôn Độc lập, có rất nhiều nhà sử học, nhà nghiên cứu đã phân tích những nội dung bất hủ, những giá trị lịch sử lớn lao đối với dân tộc Việt Nam và ý nghĩa thời đại sâu sắc.
Tác giả Kiều Mai Sơn đã dày công thu thập, tìm hiểu, phân loại và đối chiếu các nguồn tài liệu, các bản hồi ký của những người được sống và làm việc trực tiếp cùng Người, để có những dẫn chứng chi tiết, tin cậy về văn bản Tuyên ngôn Độc lập do Bác Hồ khởi thảo và hoàn thiện.
Tác giả đã tìm tòi, xâu chuỗi để thấy được tư duy nhất quán của Bác trong suốt quá trình đi tìm đường cứu nước - quá trình thống nhất và bền bỉ từ "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" (1919) và "Bản án chế độ thực dân Pháp" (1925) đến khi chấp bút viết Tuyên ngôn Độc lập của nước ta.
Cuốn sách cũng cho thấy Bác Hồ đã tìm đọc nguyên bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ khi còn ở chiến khu Việt Bắc. Trước khi hoàn thiện bản Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, Bác đã tham khảo ý kiến của các thành viên Chính phủ lâm thời là những trí thức uy tín. Tất cả những cứ liệu này minh chứng cho tác phong làm việc khoa học cũng như thái độ cầu thị, trọng thị trí thức của Người.
Đọc “Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập”, người đọc còn thấy được bức tranh sống động và cụ thể về sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945 và hiểu sâu sắc thêm về một thời điểm lịch sử trọng đại của đất nước.