Bắc Ninh bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Sau gần 6 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, tỉnh Bắc Ninh đã có nhiều giải pháp bảo tồn, phát triển dân ca quan họ và ca trù. Nhưng trái ngược với sức lan tỏa mạnh mẽ của dân ca quan họ, những người yêu ca trù đang gồng mình mỗi ngày giữ ngọn lửa đam mê ca trù trong thế hệ trẻ khi mọi nỗ lực bảo tồn loại hình nghệ thuật này vẫn trong giai đoạn trứng nước.

Ngay sau khi dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù được vinh danh, tỉnh Bắc Ninh đã triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh giai đoạn 1 (2010 - 2012) với tổng kinh phí gần 37 tỷ đồng, chủ yếu nhằm phát triển dân ca quan họ. Sau 3 năm triển khai, dân ca quan họ đã và đang được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy một cách tích cực (có chính sách hỗ trợ nghệ nhân quan họ, công tác truyền dạy đạt nhiều kết quả, toàn tỉnh Bắc Ninh phát triển thêm 329 làng quan họ thực hành…).

Dân ca quan họ Bắc Ninh - một trong các di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.Ảnh:Minh Đức - TTXVN


Trong khi đó, thì ca trù dường như chưa được quan tâm đúng mức. Các chính sách hỗ trợ, đãi ngộ hầu như không có, các câu lạc bộ ca trù ngoài cộng đồng chỉ hoạt động một cách cầm chừng.

Hoạt động cầm chừng

Trước thực trạng trên, từ năm 2013, tỉnh Bắc Ninh triển khai đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù giai đoạn 2013-2020" với tổng kinh phí gần 65 tỷ đồng. Trong đó có 2 tiểu dự án dành riêng cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị của di sản ca trù với tổng kinh phí là 5 tỷ đồng. Tuy nhiên theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lich tỉnh Bắc Ninh, sau gần 2 năm đề án đi vào hoạt động, đến nay, dân ca quan họ Bắc Ninh mới thực hiện một phần nhỏ trong 1 tiểu dự án như: Tiến hành xuất bản được một số đĩa DVD, khảo sát việc phục dựng lại một số nhà chứa quan họ. Riêng việc bảo tồn nghệ thuật ca trù chưa thực hiện được dự án nào, chỉ mới dừng ở mức kiểm kê, nắm bắt thực trạng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn 4 câu lạc bộ ca trù hoạt động tại 3 làng ca trù gốc, tuy cũng chỉ hoạt động ở mức cầm chừng và đang phải đối mặt với nguy cơ thất truyền.

Trong số 4 câu lạc bộ ca trù còn hoạt động, có duy nhất Câu lạc bộ ca trù Tiểu Than (thôn Tiểu Than, xã Vạn Ninh, huyện Gia Bình) còn nhà thờ tổ nghề, đây cũng là nơi sinh hoạt văn hóa tinh thần và diễn ra các hoạt động truyền dạy của các hội viên. Tuy nhiên, do hoạt động bị gián đoạn trong một thời gian dài nên những người hiểu và có khả năng truyền dạy ca trù đều không còn. Để khôi phục lại nghề hát ca trù truyền thống của cha ông, những người yêu ca trù trong làng đi vận động từng người thành lập câu lạc bộ và mời các nghệ nhân ca trù nơi khác đến truyền dạy.

Cần chiến lược dài hơi

Ông Nguyễn Thiết Khởi, Phó Chủ nhiệm câu lạc bộ Ca trù Tiểu Than chia sẻ: Hiện nay, câu lạc bộ ca trù thôn Tiểu Than thu hút 28 thành viên; nhạc cụ phục vụ hoạt động bảo tồn cũng chỉ có 2 chiếc đàn đáy (trong đó 1 chiếc đã cũ không sử dụng được), 1 bộ trống, một số cặp phách do các thành viên tự đóng góp. Nguyện vọng lớn nhất của các thành viên trong câu lạc bộ là được trang bị các nhạc cụ cần thiết và được tham gia các khóa đào tạo ca trù chính quy, do từ trước đến nay việc truyền dạy do các thành viên tự mày mò, tìm hiểu hoặc học theo hình thức truyền miệng từ các nghệ nhân tại các câu lạc bộ ca trù khác.

Câu lạc bộ ca trù Thượng Thôn (xã Đông Tiến, huyện Yên Phong) thu hút gần 30 thành viên tham gia ở các lứa tuổi từ 9 đến 86 tuổi. Không được đào tạo bài bản, không có nơi tập luyện cố định (do nhà thờ tổ ca trù bị tàn phá trong chiến tranh), các trang thiết bị phục vụ còn thiếu, nên mặc dù các thành viên đều tâm huyết muốn giữ nghề nhưng cũng chỉ bảo tồn được “phần ngọn”.

Ông Đào Xuân Tràng, Chủ nhiệm câu lạc bộ ca trù Thượng Thôn tâm sự: Nguyện vọng lớn nhất của các thành viên trong câu lạc bộ là đào tạo được lớp đào kép trẻ vững tay nghề và gắn bó lâu dài với ca trù, lưu lại một nét văn hóa truyền thống của cha ông. Để điều ấy trở thành hiện thực, chỉ với sự nhiệt tình, đam mê cháy bỏng và tâm huyết thôi chưa đủ, cần sự quan tâm thiết thực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và tỉnh, đặc biệt cần sớm tạo điều kiện cho câu lạc bộ nơi tập luyện ổn định, có sự đào tạo bài bản, chính quy cho những người yêu ca trù và nhất là cần nhanh chóng rà soát, có chính sách đãi ngộ với những người có công lưu giữ, truyền dạy ca trù ngoài cộng đồng.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trong thời gian qua, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh đã nhiều lần tham mưu, đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện các dự án, tuy nhiên do nguồn kinh phí được cấp hạn hẹp nên các dự án chưa thực hiện được. Để tiếp tục bảo tồn và phát triển giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên, trong thời gian tới, ngành văn hóa tỉnh Bắc Ninh tiếp tục đề xuất xin kinh phí để đề án Bảo tồn và phát huy giá trị dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù được thực hiện theo lộ trình đề ra. Đặc biệt, tỉnh Bắc Ninh đã đề xuất việc xét tặng danh hiệu 7 nghệ nhân ưu tú, trong đó có 6 nghệ nhân quan họ và 1 nghệ nhân ca trù.

Việc tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể - dân ca quan họ Bắc Ninh và ca trù là vô cùng cần thiết và mang tính chiến lược lâu dài. Để thực hiện được nhiệm vụ này bên cạnh niềm đam mê của mỗi người, còn cần hơn nữa sự tham gia nhiệt tình của các cấp, các ngành. Đây cũng là chương trình hành động mà tỉnh Bắc Ninh đã cam kết với UNESCO nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Thanh Thương
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội
Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội

Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 857 di sản văn hóa phi vật thể, gồm ngữ văn truyền khẩu, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN