Ngày 6/3 (tức ngày 16 tháng Giêng năm Ất Mùi), Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bắc Ninh và huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh) long trọng tổ chức lễ dâng hương và khai hội Kinh Dương Vương (xã Đại Đồng Thành – huyện Thuận Thành) kỷ niệm 4894 năm đức vua Thủy tổ Việt Nam khai sinh mở nước. Đến dự có đồng chí Trần Văn Túy, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban tổ chức Trung ương; đồng chí Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành cùng hàng nghìn nhân dân và du khách thập phương về trẩy hội.
Trong những năm qua, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tỉnh Bắc Ninh đã đầu tư, tôn tạo khu di tích với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng. |
Hàng năm, lễ hội Kinh Dương Vương được chính quyền và nhân dân tổ chức là dịp bày tỏ lòng thành kính, tuyên truyền, giáo dục những người con dân đất Việt nhớ về nguồn cội, tri ân đức vua Thủy tổ Việt Nam, phát huy truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa để lại; Đồng thời bày tỏ lòng tự tôn dân tộc,tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở dòng máu huyết thống con Lạc, cháu Hồng, thi đua lao động, học tập xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bên cạnh đó, lễ hội còn tôn vinh nét đẹp văn hóa, truyền thống của vùng quê hương Kinh Bắc – Bắc Ninh.
Khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương thờ Thuỷ tổ dân tộc Việt Nam được xây dựng từ lâu đời trên bãi đất cao bên bờ nam sông Đuống, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (1840) được trùng tu và đặt văn bia. Trải qua bước thăng trầm của thời gian, hiện nay khu quần thể Lăng và Đền Kinh Dương Vương còn lưu lại những dấu tích xưa với bia, mộ và hoành phi, câu đối: "Nam Bang Thủy Tổ” (Thủy tổ nước Nam), "Nam tổ miếu” (miếu thờ ông Tổ nước Nam), "Bách Việt Tổ” (Vua tổ nước Nam)… Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn, khu di tích Lăng và Đền thờ Kinh Dương Vương được Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1993. |
Năm nay, lễ hội Kinh Dương Vương diễn ra trong 6 ngày từ ngày 4 đến ngày 9/3 (từ 14 đến 19 tháng Giêng), trong đó chính hội được tổ chức trong 3 ngày 16 đến 18 tháng Giêng. Phần lễ, trong ngày 14 tháng Giêng sẽ tổ chức rước nước từ Đền xuống Lăng Kinh Dương Vương về thờ; Ngày 16 tháng Giêng tổ chức rước kiệu Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ từ Đền xuống Lăng làm lễ và tế theo các nghi thức cung đình; Ngày 18 tháng Giêng sẽ tổ chức rước kiệu Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Âu Cơ từ Lăng về Đền, sau đó sẽ tổ chức lễ tế cầu nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an.
Ngày 19 tháng Giêng ban tổ chức lễ hội sẽ tổ chức lễ rước tống ruộc, trả nước tưới cho cây. Đồng thời, trong những ngày từ 14 đến 17 tháng Giêng, sẽ diễn ra lễ rước bài vị, long đình tại thôn Phú Mỹ (Đình Tổ - Thuận Thành) và các thôn Đồng Đông, Đồng Văn, Đồng Đoài (Đại Đồng Thành – Thuận Thành).
Cùng với phần Lễ được tổ chức trang nghiêm thể hiện niềm tôn kính với bậc tiên tổ, phần hội năm nay, ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao cùng các trò chơi dân gian như chơi đu, đập niêu, bịt mắt bắt dê, cờ tướng, vật dân tộc, múa rối nước… Đặc biệt, những buổi tối sẽ diễn ra các chương trình văn nghệ chèo, tuồng, trống quân, Quan họ trên thuyền của Nhà hát chèo, tuồng trung ương và địa phương.
Theo truyền thuyết lịch sử và các tài liệu, thư tịch cổ, thời đại Hồng Bàng là thời đại thượng cổ của lịch sử Việt Nam. Năm 2879 trước công nguyên, Kinh Dương Vương lên ngôi lập nên nhà nước Xích Quỷ, nhà nước sơ khai, độc lập có chủ quyền đầu tiên của dân tộc ta (Xích Quỷ là tên một ngôi sao sắc đỏ rực rỡ nhất trong 28 vì sao sáng trên trời). Kinh Dương Vương kết duyên với Long Nữ sinh ra Sùng Lãm (hiệu là Lạc Long Quân). Lạc Long Quân kết duyên với Âu Cơ sinh ra các vua Hùng.