Theo Dự thảo, Nghị định gồm 4 chương, 19 điều, áp dụng cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia hoạt động lễ hội trên lãnh thổ Việt Nam. Trong đó, chương II về tổ chức lễ hội là nội dung có nhiều điểm mới. Cụ thể là có sự phân cấp quản lý đến UBND các địa phương. Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định về trình tự đăng ký và tiếp nhận hồ sơ tổ chức lễ hội, trong đó các lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề quy mô cấp quốc gia hoặc cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài được tổ chức định kỳ hàng năm phải thông báo cho Bộ VHTTDL trước khi tổ chức. Các lễ hội truyền thống có quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, thành phố, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề quy mô cấp tỉnh diễn ra định kỳ cần phải thông báo với UBND cấp tỉnh... Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của Bộ VHTTDL, trách nhiệm của các bộ, ban, ngành, của UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về lễ hội, cũng như việc xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.
Nghị định được xây dựng nhằm góp phần hình thành và củng cố nếp sống văn minh trong các lễ hội. |
Để hạn chế “xin - cho”
Đa số các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đều khẳng định sự cần thiết phải có một Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội, để hạn chế những vấn nạn diễn ra ở nhiều lễ hội từ trước đến nay. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa cũng cho rằng, Nghị định đó được thể hiện như thế nào cho phù hợp, để vừa thể hiện vai trò quản lý nhà nước vừa phát huy được những giá trị của cộng đồng, góp phần loại bỏ cái xấu, phát huy những mặt tốt của di sản văn hóa Việt trong lễ hội, chứ không phải kiểm soát hay áp đặt mệnh lệnh hành chính Nhà nước để trói buộc công tác tổ chức và quản lý lễ hội. GS.TS Lê Hồng Lý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng, Nghị định nên có sự phân định rõ, những lễ hội nào phải xin phép.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý, chỉ những lễ hội mới, những festival nghệ thuật, ngành nghề hay những lễ hội mang yếu tố du nhập nước ngoài mới cần xin phép cơ quan quản lý, còn những lễ hội truyền thống, được tổ chức định kỳ hàng năm thì không cần phải làm thủ tục này. Bởi khi đã có cơ chế “xin” thì sẽ có khả năng “cho” một cách dễ dàng, như vậy sẽ làm mất đi giá trị đẹp đẽ của lễ hội. Hay như trong Điều 12, Chương 2 bản Dự thảo quy định phải có “Văn bản thông báo tổ chức lễ hội định kỳ” là chưa hợp lý, bởi yêu cầu báo cáo thành phần, số lượng khách mời... sẽ tạo cảm giác Nhà nước vẫn tham gia quản lý quá sâu vào lễ hội, làm mờ nhạt vai trò của cộng đồng trong tổ chức và quản lý lễ hội, đặc biệt là với các lễ hội dân gian. GS.TS Lê Hồng Lý cũng cảnh báo, Dự thảo Nghị định cần hết sức thận trọng trong việc sử dụng ngôn từ.
Ông Lý lấy ví dụ, Điều 4 của Dự thảo có phần “loại bỏ hoặc thay thế những tập tục kích động bạo lực, mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị... trái với truyền thống yêu hòa bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam...”. Theo ông Lý, Nghị định không nên dùng những từ ngữ như loại bỏ, bài trừ... sẽ dễ bị hiểu nhầm là cấm đoán, áp đặt, gây phản ứng trong cộng đồng.
Áp mệnh lệnh hành chính với thói quen
Một số ý kiến cho rằng, Điều 5 của Dự thảo Nghị định quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội nêu đặt tiền công đức, tiền lễ, tiền giọt dầu đúng nơi quy định; không ném, thả tiền xuống giếng, ao, hồ; cài tiền lên tay tượng và các hành vi phản cảm khác. Đặc biệt, người tham gia lễ hội phải ứng xử có văn hóa; trang phục lịch sự, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; không nói tục, chửi thề xúc phạm tâm linh, gây ảnh hưởng xấu tới không khí trang nghiêm của lễ hội... Theo các nhà nghiên cứu, việc áp đặt mệnh lệnh hành chính với những thói quen sinh hoạt của người dân, đặc biệt là trong sinh hoạt tín ngưỡng là rất khó.
Nhìn nhận từ góc độ đơn vị cơ sở, ông Nguyễn Bá Hiển, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn cho rằng, quy định mỗi ban thờ trong cơ sở thờ tự đặt không quá 2 hòm công đức là không phù hợp với thực tế, mà nên quy định là đặt hòm công đức sao cho phù hợp. Ông Hiển dẫn chứng, vào mùa lễ hội Chùa Hương, du khách đi lễ rất đông, nếu chỉ đặt 2 hòm công đức sẽ khiến du khách phải xếp hàng để đóng góp công đức, như vậy sẽ rất phức tạp và khó cho Ban quản lý. Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, đơn vị được giao xây dựng Dự thảo Nghị định khẳng định, Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội được xây dựng dựa trên nguyên tắc đảm bảo vai trò quản lý của cộng đồng, tôn trọng cộng đồng chứ không phải là áp đặt, nên Cục Văn hóa cơ sở vẫn tiếp tục lấy ý kiến của các nhà văn hóa, những người có chuyên môn để hoàn thiện Dự thảo Nghị định. Theo kế hoạch, sau khi tham vấn ý kiến các nhà khoa học, bộ, ngành liên quan, cũng như ý kiến đóng góp rộng rãi trên website, Dự thảo Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sẽ hoàn thiện và trình Chính phủ xem xét, thông qua, dự kiến trong quý I năm 2018.