Cuộc họp ngày 16/8 do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức với sự tham gia của các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học và chính quyền địa phương đã hé mở hướng đi mới cho di tích này.
Không thể khôi phục nguyên trạng di tích cũ
Chưa bàn đến việc đúng sai, chưa bàn đến việc xử lý những người có liên quan, cuộc họp do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức chỉ tập trung phương hướng giải quyết. Trên cơ sở nắm bắt ý kiến của dư luận, thông tin của các cơ quan truyền thông và quan điểm của các nhà văn hóa, ba phương án xử lý đã được đưa ra tại cuộc họp để các nhà quản lý, nhà khoa học bàn thảo.
Phương án 1 là phá bỏ công trình bê tông hiện nay để phục dựng nguyên trạng di tích cũ trên cơ sở sử dụng lại toàn bộ cấu kiện có giá trị. Phương án 2 là cho tồn tại như hiện nay và gắn những cấu kiện, mảng chạm có giá trị của đình cũ. Phương án 3 là vẫn cho tồn tại công trình, không dùng cấu kiện cũ mà đưa về Bảo tàng Hà Nội trưng bày.
Tuy nhiên, phân tích của các nhà nghiên cứu văn hóa, các nhà chuyên môn về bảo tồn di tích và các nhà quản lý cho thấy, tất cả các giải pháp đều là giải pháp tình thế. Vì vậy chỉ là lựa chọn giải pháp phù hợp nhất có thể.
Với phương án khôi phục nguyên trạng di tích đình cũ, các nhà nghiên cứu văn hóa, bảo tồn di tích đều khẳng định không khả thi. Bởi trước hết kinh phí để khôi phục lại khá lớn, ngân sách không thể bố trí ngay lúc này. Trong khi nguồn lực nhân dân đóng góp xây dựng đình bê tông sẽ bị đập bỏ, gây lãng phí.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, phương án này không khả thi vì như vậy chúng ta bỏ đi nguồn kinh phí rất lớn của nhân dân, không thể tái đầu tư vào công trình này, trong khi ngân sách của Nhà nước không thể đầu tư kịp thời. Theo ông, Hà Nội có 1.853 ngôi đình có niên đại lâu đời, thành phố không đủ kinh phí để đầu tư cho toàn bộ các di tích này.
Tương tự như vậy, Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương - Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích nêu quan điểm, việc xây dựng đình Lương Xá bằng gỗ theo phương án 1 không khả thi do chi phí quá lớn. Hà Nội có gần 6.000 di tích trong đó có rất nhiều di tích xếp hạng có tình trạng như đình Lương Xá. Nếu chúng ta cũng khôi phục như thế thì không thể có nguồn lực để thực hiện.
Để tồn tại nhưng có sự điều chỉnh phù hợp
Thực tế, chính quyền xã Liên Bạt và người dân mong muốn thực hiện theo phương án 2. Nhưng với phương án này, các nhà khoa học cho rằng, sự lồng ghép giữa cấu trúc bê tông và gỗ mang tính chất gượng ép vì cấu kiện gỗ ngoài trang trí có ý nghĩa rất lớn trong việc chịu lực, là thành phần của bộ khung chịu lực. Khi lồng ghép gỗ vào bê tông sẽ mất đi tính chân xác của cấu trúc gỗ và như vậy hai vật liệu khác nhau sẽ không thích ứng, không logic trong nguyên tắc bảo tồn. Hơn nữa cấu kiện bê tông gánh trách nhiệm chịu lực cho công trình lại phải chịu thêm khối gỗ gắn vào nên sẽ bị “lệch vai”.
Vấn đề đặt ra hiện nay, chúng ta ứng xử ra sao vừa đảm bảo thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, vừa thích ứng được với việc đã xảy ra để tránh hiện tượng lãng phí và tránh phản cảm. Việc ứng xử cần bảo tồn các giá trị cốt lõi, phù hợp với thực trạng và hợp lý về nguồn lực. Khi đó sẽ hài hòa lợi ích và nguyện vọng của cả người dân lẫn cơ quan và các nhà chuyên môn. Hiện giá trị cốt lõi của di tích này chính là không gian văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng, tồn tại ở ngôi đình và cả tổng thể xung quanh.
Các nhà khoa học, cơ quan bảo tồn di tích đều nghiêng về phương án thứ 3, tức là cho tồn tại ngôi đình bê tông nhưng có sự điều chỉnh phù hợp; các cấu kiện gỗ có thể bảo tồn tại chỗ như một bảo tàng.
Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng, rất may mắn khi xây dựng đình, xã Liên Bạt và thôn Lương Xá đã nhờ tư vấn thiết kế nên vẫn giữ được dạng mái có đao, không phải đầu hồi. Do vậy, chúng ta vẫn bảo tồn được khung cảnh, không gian văn hóa mà cả bên trong và ngoài di tích. Khi bảo tồn không thể là khung bê tông cứng nhắc, mà phải hoàn thiện trả lại không gian sinh hoạt tín ngưỡng cho cộng đồng, gần nhất có thể với không gian cấu trúc và tổng thể vốn có. Trên mái phục hồi toàn bộ phần trang trí, lợp ngói, bên trong cũng phải điều chỉnh để khôi phục ngôi đình theo kiến trúc tryền thống. Còn phần hậu cung, có thể tận dụng cấu trúc gỗ để làm.
Cũng theo Kiến trúc sư Lê Thành Vinh, việc cần làm hiện nay là địa phương và cơ quan chuyên môn kiểm kê, đánh giá các cấu kiện cũ, lựa chọn cấu kiện gỗ giá trị để bảo tồn. Một mặt, tập hợp, hoàn thiện hồ sơ về đình cũ trên cơ sở tư liệu đã có và hiện vật còn lại. Địa phương thiết kế điều chỉnh trên cơ sở hệ khung đã thi công đảm bảo không gian, cấu trúc và nội thất truyền thống. Công tác giám sát thi công cần chặt chẽ để đảm bảo đúng mục đích, chất lượng.
Cũng nhất trí với phương án thứ 3 nhưng Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, chấp nhận để khung sườn bê tông cốt thép nhưng có gắn kết với mảng trang trí kiến trúc nhưng không phải ở bộ phận chịu lực. Phương án này dung hòa với phương án thứ 2 để tạo ra phương án thích hợp hơn và khả thi hơn trong điều kiện hiện nay. Ông cho rằng, chúng ta cần cân đong đo đếm vừa giữ gìn di sản, vừa thích nghi những việc bất cập mà có thể khắc phục.
Các ý kiến của các nhà khoa học, cơ quan bảo tồn di tích đều được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng như UBND huyện Ứng Hòa ghi nhận, sau đó tìm ra phương án khả thi nhất báo cáo UBND huyện Ứng Hòa và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch.
Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, khi có hướng chỉ đạo tiếp theo từ thành phố Hà Nội và Bộ, lúc đó UBND huyện Ứng Hòa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội mới triển khai các công việc khác để phù hợp với thực tiễn, phù hợp với nguyện vọng của nhân dân nhưng đảm bảo được yêu cầu là gìn giữ được tối đa các cái yếu tố gốc cấu thành di tích với thực trạng như hiện nay.